Vào 26/08/2020 vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã công bố lấy ý kiến Dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề. Rất nhiều những gương mặt có uy tín trong ngành đã có góp ý để hoàn thiện hơn bộ Quy tắc. Sau đây, Kiến Việt xin được phép chia sẻ tới độc giả toàn bộ đơn thư góp ý vô cùng tâm huyết của KTS Nguyễn Huy Khanh gửi đến Hội KTSVN cũng như các đồng nghiệp.

——***——

Kính gửi:   

  • Hội KTS Việt Nam
  • Các kiến trúc sư đồng nghiệp

Căn cứ vào:

  • Dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến Trúc sư hành nghề;
  • Nghị định 85/ND-TTg
  • Luật Kiến trúc 2019

Tài liệu tham khảo:

  • 2020 Code of Ethics and Professional Conduct – QTƯX của AIA Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ
  • Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, số: 27/2017/TT-BCA
  • Thông tư quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, số: 07/2014/TT-BYT
  • Các tài liệu, giải thích thuật ngữ trên internet

Sau khi thu thập và phân tích một số khái niệm được tham khảo dưới đây:

  1. Quy tắc: là các quy định, chuẩn mực hoặc các công thức, kết luận tổng quát buộc mọi người phải tuân theo trong một hoạt động chung hoặc trong một công việc nào đó.
  2. Ứng xử:  là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ …
  3. Văn hóa ứng xử : Hệ thống thái độ và hành vi của cá nhân và cộng đồng người được xác định đẻ xử lý một cách tôi sưu các mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình, dựa trên các chuẩn mực xã hội
  4. Bộ quy tắc ứng xử là một tập hợp các nguyên tắc, giá trị, tiêu chuẩn trọng tài nêu rõ các trách nhiệm hoặc cách hành xử thích hợp của một cá nhân, một bên hoặc một tổ chức. Các khái niệm liên quan bao gồm quy tắc đạo đức (tiêu chuẩn đạo đức) và quy tắc danh dự.

Và nghiên cứu bản dự thảo, tôi xin được đưa ra các đề xuất như sau:

#1. Đề xuất 1: cần có định nghĩa và thống nhất chung về QTƯX của KTS : đó là “những nguyên tắc, giá trị, tiêu chuẩn hay các quy tắc hành vi có tác dụng hướng dẫn cho các quyết định, các quy trình và các hệ thống làm việc của các Kiến trúc sư hành nghề theo cách (a) đóng góp cho lợi ích của khách hàng, xã hội, cộng đồng, (b) bảo vệ tự nhiên, bảo tồn di sản, bảo đảm phát triển bền vững,  và (c) tôn trọng quyền của tất cả những người có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của hoạt động hành nghề kiến trúc .

#2. Đề xuất 2: làm rõ vai trò, tính pháp lý của QTƯX

Quy tắc ứng xử không phải là một văn bản pháp luật hoặc dưới luật, tức là không bắt buộc phải thực hiện. QTƯX  được sử dụng như công cụ hỗ trợ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề (công cụ quản lý NN về hành nghề KTS) bởi việc cấp Chứng chỉ hành nghề KTS mới là công cụ pháp lý.

Quy tắc ứng xử có giá trị và năng lực điều chỉnh hành vi là do được đa số cộng đồng KTS hành nghề đồng ý về nội dung và cùng đồng thuận thực hiện, được coi là cẩm nang đạo đức của nghề KTS. Nếu liên hệ với truyền thống được thì như một Kế ước của làng xã, làng nghề (không phải luật Vua ban).

#3. Đề xuất 3: Ngôn ngữ sử dụng trong QTƯX

Do không có tính chất quy định pháp luật nên các các trợ động từ được sử dụng theo nguyên lý gợi ý, hướng dẫn, chỉ dẫn… không áp đặt

Sử dụng các trợ từ :

  • Nên (should) hoặc Không nên (shall not)
  • Có (do) hoặc Không (don’t)

Không sử dụng các trợ từ :

  • Phải (must) hoặc không phải (must not)
  • Buộc (have to) hoặc Không buộc (don’t have to)

#4. Đề xuất 4:  Cấu trúc câu trong QTƯX

Ưu tiên sử dụng đa số là các câu đơn giản, ngắn, rõ ràng mạch lạc. Độ dài của các đoạn, các câu nên tương đồng để tạo sự cân đối, dễ dàng cho việc đọc.

#5. Đề xuất 5:  Nội dung của QTƯX

          Do ứng xử hay phản ứng chính là thái độ và hành vi của KTS với các tình huống gặp phải khi hành nghề, nên nội dung nên nêu nói rõ hoàn cảnh ứng dụng, hạn chế chung chung. Những nội dung chung (không cần tình huống) nên đưa vào mục “Quy tắc chung”

#6. Đề xuất 6:  Đối tượng của hành vi trong QTƯX

Do KTS là chủ thể (subject) với đối thể/khách thể (object) của hành vi hành nghề nên cần liệt kê một cách đầy đủ các đối tượng này

Xin đề xuất lược đồ như sau:

Danh sách đối tượng của hoạt động hành nghề KTS

118700282_10157146102272102_3295446657329639370_o.jpg

#7. Đề xuất 7:  Cấu trúc của QTƯX

  • Phân chia làm 3 phần chính (3 chương)
    • Quy định chung : (Quy tắc 1 đến 3)
    • Nội dung quy tắc ứng xử : (Quy tắc 4 đến 24)
    • Tổ chức thực hiện: (Quy tắc 25 đến 30)
  • Nội dung quy tắc ứng xử chia làm 5 mục chính:
    • Đối với bản thân
    • Đối với con người
    • Đối với xã hội
    • Đối với môi trường
    • Đối với di sản

#8. Đề xuất 8:  Một số nhận xét chi tiết đối với bản dự thảo

  1. Nên bổ sung/đề cập kỹ hơn đến các đối tượng của hoạt động hành nghề KTS

Cụ thể như sau:

Danh sách đối tượng của Bản dự thảo

118582023_10157146102367102_4826894621098198820_o.jpg
  • Xem xét lại Quy tắc 1: sứ mệnh là chỉ trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức ; ngành/nghề là chỉ một lĩnh vực hoạt động và để phân biệt giữa các ngành/nghề khác nhau.

Đề xuất chỉnh sửa : “Kiến trúc sư Việt Nam có sứ mệnh …”

  • Một số quy tắc đang trùng nội dung, đề xuất viết gộp:
    • Quy tắc 2 và Quy tắc 21
    • Quy tắc 13 và Quy tắc 19
    • Quy tắc 9 và Quy tắc 24
  • Nên bỏ Quy tắc 16 vì liên quan đến hoạt động chuyên môn sâu.
  • Nên sửa Phần “III. Quy tắc thực hiện” thành “III. Tổ chức thực hiện” và 06 nội dung trong này là Quy định chứ không phải Quy tắc nên đề xuất sửa thành “Điều” thì phù hợp hơn đồng thời cũng nên rà soát lại nội dung cho ngắn gọn và cụ thể hơn nữa.

Lời cuối:

Với mong muốn đóng góp cho bản quy chế ứng xử nói riêng và môi trường hành nghề KTS nói chung sao cho ngày một trở nên lành mạnh, góp phần hỗ trợ tài năng của các anh chị em đồng nghiệp, thúc đầy nền kiến trúc nước nhà, tôi xin mạnh dạn đưa ra để các quý đồng nghiệp tham khảo, trao đổi. Đây là những nhận xét và đề xuất được xuất phát từ năng lực và góc nhìn còn hạn hẹp của cá nhân tôi, nên có điều gì không đúng, không chính xác rất mong nhận được sự thông cảm và lượng thứ!

Trân trọng,

KTS. Nguyễn Huy Khanh


Xem toàn văn dự thảo Tại đây

Mọi ý kiến góp ý xin vui lòng điền phiếu: Tại đây

XEM THÊM:

  • Dự thảo xin ý kiến về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề
  • Cơ chế chính sách quản lý hành nghề Kiến trúc sư
  • Chính phủ ban hành Quy định thi tuyển phương án kiến trúc | Luật Kiến trúc 2020

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022