Cùng với sự bùng nổ về các dự án kiến trúc cũng như số lượng các văn phòng hành nghề do nhu cầu ngày càng cao cũng như sự quản lý lỏng lẻo trong công tác hành nghề kiến trúc tại Việt Nam thì đi kèm với đó là sự phong phú đa dạng về các loại hình hoạt động của giới nghề: talkshow, triển lãm, diễn đàn, viết sách…

Chưa bao giờ chúng ta thấy nhiều gương mặt KTS xuất hiện trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông đại chúng tới vậy , chưa bao giờ tiếng nói KTS được quan tâm một cách nhiệt tình đến thế, KTS xuất hiện trong nhiều vai trò ở truyền thông đại chúng cũng như truyền thông trong ngành…và trước hiện tượng này dấy lên câu hỏi: “KTS có nên tham gia talkshow nhiều tới thế không?”, “KTS thay vì nói nhiều thì nên làm nhiều?” 

Những vấn đề trong hành nghề kiến trúc?

Quay ngược lại thời gian, chỉ 3-5 năm trước đây, trên các diễn đàn ngành KTS vẫn đăng đàn và nói về những xung đột hay những vấn đề lớn nảy sinh trong quá trình hành nghề:

  • Sự thiếu tôn trọng của Chủ đầu tư thể hiện trong việc phí thiết kế bất công, quỵt tiền…
  • Sự chênh lệch về thẩm mỹ giữa Chủ đầu tư và các KTS , hay nhẹ nhàng hơn là thiếu hụt đánh giá đúng mực về sáng tạo của người thiết kế từ xã hội.
  • Những bất cập của ngay trong giới nghề khi mà thế hệ KTS trẻ không đáp ứng được yêu cầu của công việc hành nghề trong các văn phòng khi ra trường…
  • Sự bất cập, thiếu vằng của hệ thống hành lang pháp lý cần thiết để kiến tạo môi trường của KTS.
  • Vv…và vv..

Thực tế các vấn đề trên vấn đề vẫn tiếp tục tồn tại cho tới thời điểm người viết tham gia công tác hành nghề, tất cả những điều này chưa hết thôi gây “đau khổ” cho giới KTS, dường như hứa hẹn sẽ còn lâu mới kết thúc. 

Trong một cuộc khảo sát nhỏ của tôi để tìm kiếm về đánh giá của xã hội về giới KTS, hầu hết các câu trả lời liên quan tới 02 câu hỏi: 

  • Bạn hiểu gì về ý tưởng thiết kế của KTS cho công trình?
  • Bạn có hiểu về cách nghĩ của KTS như thế nào?

Hầu hết tôi đều nhận được câu trả lời mang tính tiêu cực về sự khó hiểu của giới nghề hay tích cực hơn là thấy đẹp nhưng không hiểu lắm. 

Bản thân trong quá trình hành nghề tôi cũng nhận thấy, hầu hết các thủ pháp kiến trúc của KTS thực hiện trong các đồ án đều cần một sự giải thích cặn kẽ trong cách tiếp cận ý tưởng thì mới mong các CĐT vốn ít quan tâm tới nghệ thuật có thể hiểu và nhận được sự tán dương và ủng hộ. 

KTS có nên nói, viết?

Liệu có phải tất cả những vấn đề xảy ra cho giới nghề ở trên đều xuất phát từ việc giới KTS vốn là một trong các cộng đồng khép kín và tự mình có hệ thống tín hiệu, quy chuẩn riêng khiến cho các cộng đồng khác không thể hiểu nổi khi không cùng ngôn ngữ? 

Hay bản thân giới nghề vốn không được đào tạo tốt về việc trình bày hoặc thuyết trình mà dẫn tới khó khăn trong việc làm cho giới khác khó hiểu về chính những hoạt động của mình? 

KTS vốn bản chất là cộng đồng đứng giữa việc thực hiện các yêu cầu, hoặc nhu cầu của xã hội trong lĩnh vực ở, sinh hoạt, sáng tạo không gian sống…nhưng dường như chúng ta đang độc thoại khi tự mình “khép kín” trong tháp ngà của chính mình? Hoặc liệu nói quá hơn là chúng ta không có khả năng giao tiếp tốt với xung quanh? 

Nhìn lại những xã hội cổ đại như Hy Lạp, một trong những di sản họ để lại là những diễn đàn giữa các không gian công cộng: đường phố, chợ, quảng trường…mà từ đó họ có những nhà triết gia lớn như Platon, Sokrats…Rất nhiều xã hội hiện đại sau này cũng được xây dựng trên nền tảng dân chủ mà ở đó những trí thức được nói và có trách nhiệm “phải nói” để kiến tạo và trao đổi tri thức…

Vậy thực sự giới KTS đã nói chưa và nói thế đã đủ chưa? Thì câu hỏi này chắc chắn còn phải cần kiểm tra, nhưng thực chất chúng ta hãy quay lại việc nhìn vào tủ sách kiến trúc tại Việt Nam. Hầu hết các sách kinh điển về kiến trúc trên thế giới không có mặt tại thư viện các trường chứ đừng nói được dịch sang tiếng Việt. (Trong một cuộc trao đổi gần đây với một học giả uy tín, tôi được biết rất nhiều dự án dịch sách kiến trúc – quy hoạch ở Việt Nam đều đã hỏng do không thể dịch nổi do thiếu vắng nền tảng ngôn ngữ của các dịch giả). Vậy trong bối cảnh này, những trao đổi nào là cần thiết để giới KTS có thể nâng tầm kiến thức của mình một cách có hệ thống, tiếp cận những tri thức mới có hệ thống thay vì những mảnh kiến thức đứt đoạn do sự tiếp cận thiếu tổng thể từ sách báo, phim ảnh, thậm chí là pinterest ? 

KTS có chỉ nên làm không nên nói?

kienviet-rem-koolhaas-phuong-tay-dung-tu-man-trung-quoc-nga-trung-dong-2.jpg

Thoạt tiên, ai cũng sẽ rất quý những người nói ít làm nhiều, nói nhiều còn được định nghĩa là “chém gió” – một khái niệm dè bỉu những người “mồm miệng đỡ chân tay”.

Mở rộng ra trong giới KTS cũng có những rỉ tai là “ông này xưa nay có vẽ gì đâu, chỉ nói hay”, hàm ý đã là KTS thì phải vẽ, phải có công trình thì mới có đủ chất, đủ tư cách để phán xét hoặc đánh giá một vấn đề liên quan tới kiến trúc. 

Và chúng ta cũng đều biết Việt Nam là một quốc gia không đào tạo về phê bình kiến trúc, không có một tác gia, tác phẩm nào xuất sắc về phê bình kiến trúc. Nhìn xung quanh, hầu hết các quốc gia có tầm vóc về kiến trúc thì đi liền với đó là những tên tuổi phê bình kiến trúc xuất sắc như : Charles Jenks, Robert Venturi…, Jack Self..thậm chí chúng ta đều biết KTS Rem Koolhaas trước khi là một KTS biểu tượng cuối TK 20 là một nhà báo , nhà chính trị, triết gia và nhà phê bình xuất sắc, KTS Peter Zumthor là một triết gia, diễn giả, người viết về kiến trúc hấp dẫn…

Có thể bạn sẽ nói rằng những nhân vật nêu trên là những người tài năng mới nên nói , viết…nhưng chúng ta đều hiểu rằng, trước khi họ trở thành những biểu tượng thì họ là những cái tên vô danh. Quan trọng hơn nữa, việc có một môi trường trao đổi kiến thức dân chủ mới có thể tạo tiền đề cho việc ra đời những nhân vật xuất chúng. Thực chất quá trình: nghĩ, nói , hành động là một quá trình mang tính biện chứng: phải có người nghĩ (thinker) mới có người làm (maker) và ngược lại. 

Diên vỹ 

Trong một lần tiếp cận một cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người viết rất tâm đắc khái niệm “muốn yêu, phải hiểu”. Chúng ta những con người phàm, nếu không thể nói với nhau, không thể trao đổi với nhau thì bao giờ mới có thể hiểu và yêu quý nhau. Đến khi nào những định kiến mới ngừng làm con người chia rẽ?

Câu hỏi cuối cùng: “”Liệu KTS nói và làm là đủ trách nhiệm hay chúng ta có trách nhiệm cao cả hơn là xây dựng 1 môi trường trao đổi kiến thức dân chủ cho những thế hệ sau này?” Có chăng giới KTS tự luẩn quẩn với những định kiến rồi sa vào cái hố tự đào để sau đó trách xã hội không hiểu và tôn trọng mình

Kiến Việt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022