Nếu căn nhà thể hiện giấc mơ của chủ nhà thì người Việt đang mơ gì?
“Lâu đài” này có một tỉ lệ khá khôi hài, nên so với công trình gốc chẳng khác so cái nguệch ngoạc của trẻ con với tranh Picasso. Nhưng có vẻ chủ nhân không phiền lòng về điều này, quan trọng là người ta nhận ra được ý đồ của tác giả. Và ai cũng đồng ý là nó nhiều tiền. Thành phố Ninh Bình vừa có một thắng cảnh mới: đại gia Hải Biên cho xây một tòa nhà nhái kiến trúc của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cũng đầy đủ mái vòm, cột tròn, cũng phù điêu trên tường và lan can chạm trổ.
Quyết chí tân cổ điển
Ninh Bình gia nhập cuộc đua đại gia xây “lâu đài” nóng lên chừng hai năm nay. “Phong trào” đã gặt hái được khá nhiều kết quả: lâu đài đôi 100 tỉ đồng ở Quảng Ninh, lâu đài sáu con gà dát vàng ở Hà Nội, lâu đài ngựa vàng ở Hải Phòng. Điểm chung của chúng là đều theo phong cách phương Tây, cụ thể là phong cách tân cổ điển của châu Âu thế kỷ 18.
Thi thoảng mới có người lạc tông, như lâu đài Tamasago theo kiểu Ả Rập của chủ tịch Tập đoàn Khải Silk hay lâu đài của đại gia Trầm Bê ở Trà Vinh (được đánh giá là “nửa Tây, nửa ta, nửa Ả Rập”). Dinh thự của nữ đại gia 36 tuổi Mã Đào Ngọc Bích ở Sóc Trăng thì theo hẳn phong cách của bốn nước: Pháp, Ý, Hi Lạp và một nước Ả Rập, với một đội chiến binh Ý áo giáp mạ đồng đứng vòng quanh nhà, khắp nơi chạm khắc vương miện vua chúa châu Âu cùng những chú gà trống Gô-loa - biểu tượng của nước Pháp.
Kiến trúc tân cổ điển của châu Âu không chỉ hấp dẫn các đại gia nhiều tiền. Cách đây 10 năm, những con ngựa gầy gò trên Khải Hoàn môn và những bức tượng Hi Lạp khỏa thân ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) từng làm một số người phẫn nộ vì vẻ “xa lạ” và “kệch cỡm” của nó.
Nhưng trên thị trường, Ciputra thành công rực rỡ với dân trung lưu. The Manor ở Mỹ Đình nối tiếp, bắt đúng mạch thời đại với khẩu hiệu “một góc châu Âu trong lòng Hà Nội”.
Đến bây giờ thì không chỉ ở Nghĩa Đô, Mê Linh và khoảng hai tá dự án khác ở Hà Nội, đâu đâu cũng “mang đậm phong cách châu Âu”, từ Galleria Nam Sài Gòn tới Euro Village ở Đà Nẵng, từ EcoLakes ở Bình Dương tới Picenza Plaza ở Thái Nguyên.
Dự án Hill State ở Hà Đông mở đầu quảng cáo bằng “tỏa sáng tự tin, phong cách Hàn Quốc”, nhưng đoạn sau lại không tự tin lắm nên chưa thêm “phong cách châu Âu, đẳng cấp quốc tế” cho yên tâm. Nhiều dự án chọn phương án “lẩu thập cẩm”.
Khu đô thị Việt Âu ở Hòa Bình vừa mang nét “phố cổ Toledorio - thủ đô cũ của Tây Ban Nha”, vừa có cái “lãng mạn, sang trọng của làng Bibury - một trong những làng đẹp nhất Anh”, cộng với “sự tinh xảo và hoa văn của cung điện Versailles”.
Các tòa nhà hành chính cũng nằm trong cuộc chạy đua này. Trụ sở của Bộ Tài chính ở Hà Nội có nửa quả cầu tròn úp lên giống như điện Panthéon ở Paris. Riêng hàng rào sắt uốn cầu kỳ của trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh hẳn sẽ khiến nhiều dân thượng lưu châu Âu cách đây ba thế kỷ phải hài lòng.
Khu hành chính của Lai Châu là một phiên bản của The Manor, Hà Nội. Ở nông thôn, nhiều khi giữa đồng không mông quạnh, người ta thấy đứng sừng sững một trụ sở huyện được xây như một phiên bản méo mó của Nhà hát lớn Hà Nội, xung quanh trâu bò tha thẩn gặm cỏ. Đặc biệt, các tòa án có vẻ chuộng hình thức kiến trúc này.
Theo ông chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, kiến trúc châu Âu cổ điển là để “đảm bảo sự uy nghiêm cần thiết” của cơ quan đặc thù này.
Sung túc nghênh ngang
Chưa bao giờ người Việt có thể lựa chọn giữa nhiều phong cách kiến trúc trên thế giới như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ người Việt có thể tìm hiểu những công nghệ xây dựng hiện đại, tiết kiệm năng lượng, sinh thái, dễ dàng như bây giờ.
Trong thời đại của smartphone, của các chuyến bay xuyên lục địa, của công nghệ chỉnh hình cơ thể như phù thủy, vì sao người ta lại xây nhà như thể họ vẫn đang sống ở cuối thế kỷ 19? Nếu căn nhà thể hiện giấc mơ của chủ nhà thì người Việt đang mơ gì?
Của cải mới kiếm được thường đi kèm với nhu cầu khẳng định và phô trương mình qua sự rườm rà, hoa văn và kích thước khủng. Người Việt không nằm ngoài quy luật này, nhiều người đi tìm cơ hội để trưng bày sự sung túc mới có của mình.
Bên cạnh đó, dường như họ đang bơ vơ trong cuộc sống hiện đại và có nhu cầu tìm đến quá khứ để có một điểm tựa, để có thể gắn vào một cái gốc. Mặc dù ai cũng hết đỗi tự hào về họ tộc cụ thể của gia đình mình, người ta lại chối từ quá khứ của tập thể lớn hơn, của cả phương Đông, coi nó là lạc hậu, man di, không văn minh, không có đẳng cấp.
Sự giàu có vật chất đi kèm với khủng hoảng về bản sắc và lòng tự tin bị tổn thương đang nuôi dưỡng một tâm thế thuộc địa, tự đặt mình xuống dưới một nền văn hóa khác (thật kỳ dị biết bao nếu bỗng nhiên người Pháp đua nhau xây nhà cửa theo phong cách “cung đình nhà Thanh”).
Hơn 100 năm sau khi người Pháp đặt tượng Bà đầm xòe lên trên nóc tháp Rùa khiến người Việt bức xúc, trớ trêu thay kiến trúc Pháp cổ điển quay lại để đáp ứng tất cả nhu cầu tình cảm của người Việt. Với dân trung lưu, nó tượng trưng cho văn hóa, đẳng cấp, văn minh.
Với quan chức, nó hiện thân cho sự uy nghi, tôn nghiêm. Với giới trẻ, nó là biểu tượng của lãng mạn, tình yêu, lịch sự. Trong khi phương Tây nhìn giai đoạn tân cổ điển này như là một trong bao giai đoạn khác của họ và luôn tiếp tục tìm tòi ngôn ngữ sáng tạo đương đại của mình, người Việt lại coi tân cổ điển là đỉnh cao muôn trượng.
“Nó thật sự là đỉnh cao kiến trúc, rất tuyệt vời - một kiến trúc sư được giới thiệu chuyên thiết kế lâu đài cho các đại gia cho biết - Đã hàng trăm năm nhưng kiến trúc (cổ điển) kiểu Pháp không những không lạc hậu, mà có thể khẳng định không công trình đương đại nào có thể vượt qua về giá trị thẩm mỹ. Tôi đã đi khá nhiều và tôi thấy nó là kiệt tác, tinh hoa nên vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục”[nguồn].
Đông - Tây đề huề
Với những kiến trúc sư này, không lấy làm bất ngờ khi ngành kiến trúc Việt ở tình trạng mà nó đang ở. Người ta dùng kiến trúc nhái Pháp để phát ra tín hiệu là tôi có văn hóa và đẳng cấp, tầm hiểu biết của tôi có bề dày quốc tế, tôi bằng vai phải lứa với người phương Tây. Nhìn đây: cầu thang của tôi còn to và uốn lượn hơn cầu thang của các cụ của họ, và tôi đang giẫm lên đá hoa cương tới từ xứ sở họ.
Trong khi vươn tới cái ảo ảnh phương Tây, chủ nhân của những ngôi nhà này vẫn phương Đông ở trong tận xương tủy mình.
Một mâu thuẫn nữa là trong khi các đại gia đều coi lâu đài của mình là một tác phẩm cá nhân, độc đáo, “được ấp ủ nhiều năm nay” và phải bảo đảm không giống ai, thực tế họ xây không phải để thể hiện sự sáng tạo của mình mà là để người khác tán đồng.
Thái độ này được thể hiện rõ nhất qua phát ngôn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi anh xây biệt thự trăm tỉ đồng: “Ai không thích chỗ nào tôi đập liền chỗ đó”. Với anh Hưng, cái đẹp là cái mà người khác nói là đẹp. Anh đã xây một lâu đài kiểu châu Âu với tâm lý nô lệ vào tập thể của phương Đông ở mức đậm đặc nhất.
Cũng vì thế mà các công trình “riêng biệt độc đáo” kia kết quả lại giống nhau và đều giống một cái bánh ngọt đám cưới nhiều tầng khổng lồ, loang lổ trắng, hồng, vàng thuộc địa. Bên trong chúng đều ngột ngạt, nhức mắt như nhau, không có mảng tường nào to quá một mét vuông mà không có một cái phù điêu, không có đường thẳng nào chạy được quá một mét mà không bị xoắn lấy một cái.
Tổng thể giống như trong một cửa hàng đèn ngồn ngộn hàng trăm cái, cái nào cũng bật sáng trưng, kêu gào đòi sự chú ý.
Vì thế mà ta thấy những cảnh Đông - Tây đề huề: hai con sư tử đá Trung Hoa đứng canh cái cổng sắt mạ đồng có phù điêu hoàng gia Anh nặng hàng tấn, hàng cây bonsai nhiều chục tỉ đồng chen chúc nhau che lấp tượng thần Vệ nữ ở ngoài vườn, tượng cóc ngậm tiền vàng cao bằng đầu người đặt dưới gà trống Gô-loa mạ vàng.
Cái không gian nhái châu Âu kia là để chứng tỏ họ đã chinh phục được kẻ khác, nền văn minh phương Tây xa lạ, nhưng mặt khác họ không cảm thấy “ở nhà” khi bên trong nó. Họ bị giằng xé.
Ngay cạnh làng Pháp mới xây trên đỉnh núi Bà Nà đầy đủ với một nhà thờ đá gô-tích nhỏ, một quảng trường, đài phun nước và cổng vòm, “như ở ngoại ô Paris”, là một thực đơn phong phú các cơ hội để du khách có những “phút giây thư giãn với văn hóa tâm linh Á Đông”, với chùa, tháp, lầu chuông, đền, miếu, nhà bia.
Nỗi buồn thực của lỗi đánh máy
Cái “giả” đang thắng thế trong mọi lĩnh vực. Người ta tháo chạy khỏi hiện thực và chính bản thân mình để bám vào một tưởng tượng xa lạ. Trong thế giới nhân tạo này, người ta ngồi trong một phòng khách ngồn ngộn các ghế bành bọc nỉ chân cong mạ vàng, trên đầu là đèn chùm pha lê giả đồ sộ, trên tường là bức Mona Lisa sơn dầu được vẽ bởi một họa sĩ ở phố Nguyễn Thái Học.
Trào lưu chạy theo “phong cách châu Âu” này sẽ kéo dài bao lâu? Nhiều người cho rằng đây chỉ là một cái mốt nhất thời - tôi không nghĩ vậy. Vào mùa cưới, ngày ngày, hàng hàng lớp lớp đôi nam nữ vẫn đứng trên vỉa hè trước khách sạn Metropole hay Tràng Tiền Plaza chụp ảnh cưới.
Đằng sau họ là những người mẫu châu Âu của Hermes và Prada, đặt trong những khung cửa châu Âu cổ kính. Sự hấp dẫn của phương Tây là vô tận, một phương Tây của quý tộc (cái từ nghe mới tuyệt vời làm sao), điểm xuyết bởi những biểu tượng tiêu dùng đương đại xa xỉ.
Trong sự đảo điên của giá trị và bấp bênh của thế giới xung quanh, bộ bài trùng Louis XIV và Louis Vuitton vừa là cái neo giữ họ lại, cho họ niềm tin, vừa là ánh sáng dẫn đường cho một tương lai lãng mạn đáng thèm muốn.
Louis XIV chắc không bao giờ nghĩ rằng ông lại ruột thịt như thế với người Việt. Cách đây hai năm, Bộ Xây dựng, trong một cố gắng lẻ loi, ban hành một quy định yêu cầu các địa phương không xây dựng các công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp với mục tiêu phát triển kiến trúc phù hợp với điều kiện và văn hóa địa phương, tạo ra bản sắc vùng miền. Ngay lập tức bộ bị phản ứng gay gắt. Ba tháng sau, Bộ Xây dựng tuyên bố quy định này là một “lỗi đánh máy”.
Nhiều người có thể chịu mất mát nhiều thứ, nhưng không ai có thể lấy được Louis XIV ra khỏi cuộc sống của họ.
(Theo Tuổi Trẻ cuối tuần)