Mứt Tết truyền thống và những con sâu làm rầu nồi canh.
Làng nghề truyền thống và những con sâu làm rầu nồi canh
Mứt là thực phẩm truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Chính vì vậy, cứ đến cuối năm, thị trường mứt trái cây lại vô cùng náo nhiệt.
Mứt bẩn, bánh kẹo không rõ nguồn gốc: Nỗi lo chẳng năm nào thừa mỗi dịp mua sắm đón Tết đến xuân vềĐọc ngay
Bên cạnh 1 số hãng mứt có thương hiệu đã gây được lòng tin với dây truyền sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thì vẫn còn rất nhiều loại mứt trái cây được gia công truyền thống.
Các loại mứt gia công truyền thống này thường được làm hết sức thủ công tại các làng nghề, do chính người dân tự tham gia sản xuất.
Mứt Tết được bày bán đa dạng trên thị trường dịp cuối năm.
Một trong những làng nghề có số lượng mứt bán ra thị trường khá lớn là làng nghề mứt kẹo truyền thống tại làng Xuân Tảo – quận Bắc Từ Liêm.
Với những loại mứt truyền thống chính như mứt cà rốt, mứt bí, mứt dừa… làng nghề mứt truyền thống này đã tồn tại được hàng trăm năm nay.
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến, làng nghề mứt truyền thông Xuân Tảo lại tất bật vào vụ. Thời điểm từ tháng 10 âm lịch trở đi cho đến giáp Tết Nguyên Đán là 1 trong 2 vụ chính của làng, chính vì vậy đây là thời điểm rất nhiều hộ dân tại làng Xuân Tảo bắt đầu tăng gia sản xuất mứt để đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng những ngày Tết.
Là 1 làng nghề được chính quyền địa phương mong muốn bảo tồn và phát triển bởi đây được xem như là nét văn hóa của những ngày lễ tết dân tộc – Tết Nguyên Đán, tuy nhiên trên thực tế vẫn xuất hiện không ít những con sâu làm rầu nồi canh.
Bên cạnh những hộ sản xuất mứt truyền thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng "mọc" lên không ít cơ sở sản xuất mứt chạy theo lợi nhuận nhất thời mà hoàn toàn bỏ qua những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Những rổ nhựa như thế này xuất hiện ở khắp mặt đường làng nghề mứt truyền thống.
Chúng tôi có mặt tại làng nghề này những ngày chỉ cách Tết Nguyên Đán chưa đến 1 tháng, đây là đợt cao điểm sản xuất mứt của nhiều hộ dân. Đi qua 1 vài cơ sở sản xuất khép kín, chúng tôi bất ngờ gặp những rổ nhựa thể tích lớn được vứt la liệt trên mặt đường ở khắp các ngõ ngách, đường làng.
Khá tò mò về tác dụng của những rổ nhựa này, chúng tôi đã lần theo và phát hiện ra nhiều cơ sở có quy trình sản xuất mứt khá lạ lùng cũng như khiến nhiều người bất ngờ.
Mứt cà rốt được người ta sục rửa trong những bể bê-tông nhem nhuốc
Mứt cà rốt là loại mứt được nhiều người lựa chọn mua sắm cho ngày Tết và đây cũng chính là loại mứt được khá nhiều hộ dân tại làng Xuân Tảo gia công sản xuất.
Theo nhiều người ở đây cho biết, mỗi loại mứt sẽ được qua 3 công đoạn sản xuất chính là rửa – làm sạch nguyên liệu, phơi khô nguyên liệu và cuối cùng mới được đưa vào khu vực chế biến và trở thành sản phẩm được bán ra thị trường.
Dạo 1 vòng quanh lành nghề này, ngoài như hộ sản xuất khép kín, chúng tôi bất ngờ thấy 1 vài bể bê-tông được xây thô sơ không khác mấy với các bể chứa nước.
Những bể bê-tông này được quây lại sơ sài bởi những tấm bạt cũ kỹ và rách rưới. Tại khu vực có khoảng 10 bể bê-tông như vậy, chúng tôi tiếp tục nhận ra tại mỗi bể chứa đều có vòi nước dẫn nước chảy trực tiếp thẳng vào lòng bể.
Các bể bê-tông kém vệ sinh giữa trời giữa đất.
Trên nền đất ướt át chẳng mấy vệ sinh, chúng tôi theo chân 1 nhân công đang làm việc tại đây. Người này đang liên tục vớt vật thể nào đó từ bể bê-tông đang được sục nước kia. Tiến lại gần hơn bể nước khá đục này, chúng tôi nhận ra vật thể được vớt bằng chiếc vá lớn kia chính là những miếng cà rốt được cắt lát mỏng.
Khi được hỏi về việc tại sao lại rửa cà rốt như vậy, người nhân công này trả lời chúng tôi đây là công đoạn rửa nguyên liệu trước khi được chế biến thành mứt cà rốt để bán ra thị trường phục vụ dịp Tết Nguyên Đán.
Một lần nữa quan sát kĩ "khu vực rửa nguyên liệu này", chúng tôi vẫn chưa thể tin được người ta sẽ rửa nguyên liệu thực phẩm bên trong 1 chiếc bể chứa kém vệ sinh đến như vậy.
Thành bể chứa đen kịt, cáu bẩn, nhiều diện tích có xuất hiện rêu mọc kín, bởi vì chỉ là bể trát xi-măng thô nên khả năng bám bẩn lại càng tăng cao. Nước được sục xối mạnh trong bể vô tình cũng mang theo khá nhiều chất bẩn bám tại bể kia hòa lẫn vào nước rửa cà rốt.
Mặt đất ướt át, bẩn thỉu và trang phục lao động của công nhân.
Khu vực rửa nguyên liệu này đặc biệt được xây dựng giữa trời giữa đất, không có bất kỳ vật dụng nào che mưa chắn nắng, có lẽ bởi vậy, sau mỗi trận mưa, những bể rửa cà rốt kia lại tích thêm 1 tầng đất cát, bụi bẩn.
Tuy nhiên, có vẻ như người công nhân đang đảm nhận nhiệm vụ rửa nguyên liệu kia không mấy bận tâm đến việc rửa nhưng không hề sạch sẽ này, người này vẫn thản nhiên vớt số cà rốt từ bể rửa sang 1 bể bê-tông khác cũng mất vệ sinh không kém ngay ở bên cạnh.
Mứt cà rốt được rửa trong những chiếc bể bê-tông kém vệ sinh.
Theo chia sẻ của người này thì với mứt cà rốt sau khi qua khâu rửa sẽ được tiến thẳng vào khu chế biến và hoàn thiện thành phẩm. Tuy không biết rõ chi tiết của khâu hoàn thiện thành phẩm này liệu có đảm bảo vệ sinh hay không, thế nhưng cứ nhìn vào những miếng cà rốt nằm trong bể bê-tông không lấy gì làm sạch sẽ kia, người tiêu dùng ắt hẳn sẽ đặt ra nhiều băn khoăn, thắc mắc.
Mứt bí, mứt dừa dãi dầu mưa nắng ngay bên cạnh cống thải, mặc cho đàn gà thi nhau đến mổ
Ngoài mứt cà rốt thì mứt bí và mứt dừa là 2 loại mứt được sản xuất khá nhiều tại các hộ dân trong làng Xuân Tảo. Được biết sau khâu rửa thì bí và dừa bắt buộc phải được phơi khô trước khi đi vào khâu chế biến cuối cùng.
Mất khá nhiều thời gian để chúng tôi tiếp cận được với khu vực phơi nguyên liệu, có lẽ bởi chúng tôi chẳng bao giờ ngờ được những nguyên liệu thực phẩm này sẽ được phơi ngay cạnh cống thải khá lớn và đang bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Mương cống hôi thối ngay gần khu vực phơi mứt dừa, bí.
Khu vực phơi dừa và bí không chỉ được bao quanh bởi 1 mương cống với đủ loại chất thải của cả khu vực này mà ngay cạnh đó còn là 1 khu xây dựng đang trong giai đoạn thi công công trình. Các loại máy xúc, máy trộn bê-tông cùng với vô vàn vật liệu xây dựng như đất, cát, sỏi…
Bên trong tấm bạt xanh được quây sơ sài giữa bãi đất cát, mương cống và khu vực xây dựng kia chính là nơi dừa và bí được phơi khô trước khi đi vào khâu chế biến hoàn thiện. Tất nhiên, cũng giống như khu vực rửa nguyên liệu, nơi đây cũng chẳng có bất kì vật dụng nào để che chắn nguyên liệu.
Kế ngay gần đó là 1 khu vực đang thi công xây dựng.
Quan sát kĩ hơn, chúng tôi nhận ra những rổ nhựa đen dung tích lớn đã được vứt la liệt ở khắp mặt đường làng đã nhắc đến từ đầu chính là vật dụng để chứa dừa và bí phơi tại đây. Những chiếc rổ vứt dưới đất rồi lại được ném thẳng lên dừa và bí. Đáy rổ không biết đã đi qua bao nhiêu con đường giờ lại được đặt ngay ngắn lên nguyên liệu thực phẩm.
Bởi lẽ không có vật dụng gì che chắn nên hàng loạt bí và dừa đáng lẽ phải được phơi khô thì mỗi khi có cơn mưa mang theo đất cát từ khu xây dựng ngang qua, chúng sẽ được phủ thêm 1 lớp chất bẩn đường đất trước khi được mang đi phủ lớp đường ngọt.
Toàn cảnh khu vực phơi nguyên liệu làm mứt.
Quả thật chẳng bao lâu sau khi chúng tôi đến đây, bất ngờ có 1 cơn mưa ập tới, nhân công nhận nhiệm vụ phơi nguyên liệu vội vàng chạy về phía khu nhà có che mái tôn gần đó. Những tưởng họ sẽ có biện pháp nào đó với nguyên liệu đang trầy trật ngoài trời kia, thế nhưng không, họ nhanh chân đi trú mưa, mặc kệ số nguyên liệu thực phẩm tiếp tục tắm mưa kèm với bụi bẩn.
Mương cống hôi thối, khu vực xây dựng bụi bẩn hay mặc kệ dừa, bí ngoài mưa chưa phải là tất cả những gì chúng tôi được chứng kiến khi theo chân sản phẩm mứt ngày Tết trước khi bày bán ra thị trường. Những ngày kế tiếp tại đây chúng tôi bất ngờ phát hiện mô hình sản xuất mứt kẹo đi kèm với chăn nuôi gia cầm tại đây.
Cơn mưa ập tới, thay vì che chắn cho số mứt đang phơi giữa trời, các công nhân nhanh chân đi tìm chỗ trú mưa.
Những tấm bạt quây quanh khu vực phơi nguyên liệu đã phát huy đúng tác dụng "làm cảnh" của nó khi mà đàn gà số lượng không nhỏ ở đây có thể ra vào thoải mái mà không gặp bất kỳ chướng ngại nào.
Nhân công khi đang mải miết bốc dừa, bí bằng tay không rồi ném vào rổ đen vừa vứt la liệt dưới đất thì đàn gà thong thả đi vào, lượn lờ quanh những nguyên liệu đã được phơi khô mà chỉ lát nữa thôi sẽ được chuyển thẳng vào nơi chế biến cuối cùng.
Đàn gà trong sân này khá là thản nhiên mổ hết dừa rồi lại mổ sang bí như thể đây là nơi để thức ăn mà chủ chăn nuôi bày sẵn cho chúng. Nhân công thì cứ việc bốc thực phẩm, còn đàn gà thì cũng thảnh thơi mổ thực phẩm mà nhân công đang tiến hàng thu gom.
Mô hình sản xuất mứt kết hợp chăn nuôi gia cầm.
Mứt cà rốt và mứt bí đang được bán trên thị trường với giá thành khoảng 100.000 đồng/kg, bên cạnh đó mứt dừa thì có giá thành cao hơn dao động trên dưới 200.000/kg.
Từ nhiều năm, các lại mứt tại làng nghề này luôn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.Thế nhưng bên cạnh những hộ sản xuất có quy mô đạt tiêu chuẩn thì cũng không ít hộ dân tại làng Xuân Tảo tự gia công 1 cách vô cùng mất vệ sinh như thế này.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể tiếp cận với khu vực chế biến cuối cùng để biết được điều gì đang diễn ra đằng sau những khâu sơ chế kém chất lượng đến như thế này.
Những ngày cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu của người dân về các loại mứt trái cây ngày càng tăng cao, vậy nhưng sau khi chứng kiến khâu sơ chế chẳng đạt được 1 quy chuẩn nào về an toàn vệ sinh thực phẩm này, ắt hẳn có rất nhiều người đắn đo, e ngại khi mua sắm thực phẩm cho ngày Tết đến xuân về.