Xây dựng là một trong những ngành quan trọng nhất trên thế giới nhưng cũng được biết đến là một trong những ngành gây phát thải nhà kính nhiều nhất, gây ra ô nhiễm môi trường do tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên. Cần có nhận thức rõ ràng về tác động không chỉ về vật liệu được sử dụng trong các dự án mà còn là tác động của cả hệ thống sản xuất liên quan, vì đây là chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Chuỗi hàng hóa là một quá trình tập hợp các nguồn lực để chuyển hóa chúng thành hàng hóa. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của ngành xây dựng không được đồng nhất. Nói một cách đơn giản, nó bắt đầu bằng việc khai thác các nguyên liệu thô như gỗ và khoáng sản. Các công ty sau đó chuyển đổi các nguyên liệu thô này để tạo ra các sản phẩm trung gian hoặc sản phẩm cuối cùng, chẳng hạn như sắt có thể tạo ra nhôm hoặc thép, sau đó được sử dụng để sản xuất khung cửa sổ, thép cây và các cấu trúc kim loại khác. Những hàng hóa này sau đó được tiêu thụ và vận chuyển đến các công trường xây dựng
Vì vậy, hiểu được phạm vi đầy đủ của chuỗi hàng hóa này tức là có thể theo dõi quá trình của vật liệu từ khâu khai thác đến sử dụng trong các công trường. Ngành xây dựng tiêu thụ từ 40% đến 75% nguyên liệu thô trên thế giới, bao gồm cả quặng sắt, được sử dụng để sản xuất thép và nhôm. Brazil là một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất và vào năm 2021, nguyên liệu này chiếm 1,64% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil, với giá trị ước tính khoảng 2,6 tỷ USD chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2021. Nguyên liệu này đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mexico và các nước khác.
Brazil cũng là một trong những nhà sản xuất gang lớn nhất, được khai thác từ đất, vận chuyển bằng đường sắt đến cảng, nơi nó được chuyển lên tàu và sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, vật liệu này được dùng cho sản xuất thép xây dựng, sử dụng cho các tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh,… Hành trình này có thể tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp nhưng đã để lại hậu quả tàn khốc cho môi trường tự nhiên.
Ngành công nghiệp khai khoáng gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội, như được mô tả trong các báo cáo do Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền và (Mapa de Conflitos – Bản đồ xung đột – Một tổ chức báo cáo về các địa điểm có rủi ro và tác động môi trường do các ngành công nghiệp gây ra, hầu như trong lĩnh vực xây dựng). Sắt chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng đã thể hiện được mức độ toàn cầu hóa và tác động lên môi trường. Sắt đóng vai trò là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển của các thành phố và công nghệ hiện đại, mặt khác, nó gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội, có thể quét sạch toàn bộ đất đai và cộng đồng. Xung đột này vượt xa ra khỏi quy mô của ngành xây dựng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Do đó sự tham gia của các cơ quan chức năng là rất cần thiết để kiểm soát và hạn chế tác động xấu của nó.
Điều quan trọng là phải hiểu vai trò của các KTS trong vấn đề này. Là người tiêu thụ cuối cùng trong chuỗi hàng hóa và là cầu nối với khách hàng, các KTS có cơ hội thúc đẩy và khuyến khích sự chuyển đổi theo hướng tích cực cho môi trường và xã hội hơn. Giả thiết được đưa ra là KTS nên tìm kiếm các giải pháp xây dựng khác, sử dụng vật liệu bản địa, thân thiện hơn và các hướng tiếp cận có xem xét đến tác động môi trường cho các công trình mà họ thiết kế. Chúng ta cần phải vượt ra ngoài yếu tố thẩm mỹ và kỹ thuật để xem xét toàn bộ quá trình sản xuất: từ khai thác, vận chuyển và các quá trình biến đổi của vật liệu. Ưu tiên sử dụng các vật liệu địa phương và thân thiện với môi trường. KTS phải ý thức rằng sự lựa chọn của họ không chỉ tác động đến các công trình, đến chủ đầu tư mà còn tác động đến cả chuỗi hàng hóa toàn cầu và rộng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, môi trường thiên nhiên mà con người đang sinh sống. Chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước những quyết định của mình.
Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Archdaily
- Sự khác nhau giữa Carbon-neutral và Net-zero? Tại sao các KTS cần quan tâm đến chúng?
- Sử dụng kỹ thuật xây dựng địa phương cho công trình đương đại – Ví dụ ở Amazon
- KTS Đàm Vũ: “Sự khác biệt đến từ chiều sâu văn hóa sẽ góp phần đem lại sự thú vị và hấp dẫn cần có cho kiến trúc”