Mới đây, hai vợ chồng tại Bạc Liêu đã tử vong sau khi uống 30 lít rượu đế liên tục trong vòng 3 ngày 3 đêm. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu rượu họ uống không chứa độc tố. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tử vong? Chúng ta thường nghe "ngộ độc rượu", vậy rượu nào có chứa chất độc mới mới gây hại?

Bản chất rượu sau khi vào cơ thể có một giai đoạn bị chuyển hóa thành chất gây hại, chính chất này tác động lên toàn bộ cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan, tụy.

Vì sao uống nhiều rượu gây hại cho gan và tụy?

photo-2-17085923857052051587921.jpg

Gan chịu trách nhiệm lọc máu, loại bỏ độc tố và sản xuất các protein quan trọng cho cơ thể. Khi uống rượu, gần như toàn bộ lượng rượu uống vào sẽ đi đến gan để chuyển hóa. Khi đó, gan phải hoạt động liên tục để phân hủy cồn, dẫn đến quá tải và tổn thương. Lượng cồn dư thừa sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất độc hại gây kích hoạt quá trình viêm và phá hủy tế bào gan.

Tụy sản xuất ra các enzyme hỗ trợ tiêu hóa và insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu. Trong tụy sẽ có những ống dẫn để dẫn men tụy xuống ruột non, lưu ý rằng những men mà tụy tạo ra có tác dụng phân hủy và tấn công rất mạnh. Uống nhiều rượu có thể làm hẹp các ống nhỏ này dẫn đến tắc nghẽn. Điều này khiến các men tiêu hóa của tụy bị giữ lại, tự tấn công và phá hủy các tế bào tụy. Hậu quả dẫn đến viêm tụy cấp, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, gây tử vong nhanh chóng.

Uống bao nhiêu thì ngộ độc rượu?

Không có một con số cụ thể vì mỗi người có một "tửu lượng" khác nhau. Điều này tùy thuộc vào tuổi tác, độ nhạy cảm với rượu, giới tính, tốc độ uống, thuốc bạn đang dùng và lượng thức ăn ăn vào. Tuy nhiên, khi nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml thì bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong. Với nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh.

Một số loại thuốc khi được dùng cùng với rượu có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu. Ví dụ: các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ giấc ngủ, thuốc giảm đau và kháng histamin.

photo-1-17085923846691633576626.jpg

Dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị ngộ độc rượu:

Mệt mỏi, lơ mơ, nói ngọng, mất khả năng phối hợp, co giật, bất tỉnh. Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Thở chậm, yếu, khó thở. Nhịp tim nhanh, loạn nhịp, huyết áp thấp. Da nhợt nhạt, xanh xao, hạ thân nhiệt. Mơ hồ, ảo giác, mất kiểm soát hành vi.

Làm sao để uống rượu an toàn nhất có thể

- Không bao giờ uống rượu khi bụng đói. Khi đói, rượu được hấp thu rất nhanh khiến gan không kịp chạy đua. Vì vậy, thay vì tấn công gan bằng 1 cú "nốc ao", bạn nên ăn lót dạ trước khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu và bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột. Ăn một bữa ăn bình thường, đủ dinh dưỡng (có tinh bột, đạm, rau củ)

- Không uống rượu quá nhanh hoặc quá nhiều. 1,2,3 dô rồi nốc cạn 50%, 100% ly thật sự là việc không nên làm. Bạn nên uống rượu từ từ, nhấm nháp và thưởng thức hương vị của rượu. Tốt nhất trong một ngày, lượng rượu bạn uống không vượt quá 2 ly cho nam giới và 1 ly cho nữ giới.

- Một ly rượu tương đương với 350ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh. Không nên pha trộn nhiều loại rượu với nhau.

- Bạn nên chọn một loại rượu phù hợp với khẩu vị và sức chịu đựng của mình, và không nên thay đổi loại rượu trong cùng một bữa tiệc. Việc pha trộn nhiều loại rượu khiến chúng ta khó kiểm soát nồng độ cồn, lượng rượu uống, chưa kể tương tác, chúng khiến bạn dễ say rượu, ngộ độc và đau đầu.

- Không uống rượu cùng với nước uống có ga, nước ngọt hoặc nước trái cây. Những loại nước uống này sẽ làm tăng tốc độ hấp thu rượu vào máu, gây say rượu nhanh hơn. Bạn nên uống nước lọc để giảm độ cồn trong máu.

- Không uống rượu khi đang dùng thuốc. Rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc, gây ra những phản ứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nhất là các loại thuốc an thần, kháng sinh. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống rượu nếu bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh.

- Không uống rượu khi đang lái xe, điều khiển máy móc, tham gia hoạt động thể thao hoặc làm việc. Rượu sẽ làm giảm khả năng tập trung, phản xạ, phán đoán và khả năng giữ thăng bằng của bạn (đi đứng loạng choạng), rất dễ gây tai nạn. Bạn nên uống rượu khi có thời gian nghỉ ngơi, không cần phải đi lại hay làm việc gì quan trọng.

- Không uống rượu khi thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng. Rượu sẽ làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, gây ra sự mất nước và suy nhược. Không uống rượu khi đang bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh. Rượu làm suy yếu hệ miễn dịch, làm chậm quá trình phục hồi và làm tăng nguy cơ biến chứng. Bạn nên uống rượu khi bạn đang khỏe mạnh, không có bất kỳ triệu chứng bệnh lý nào.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022