Giữa thời đại ai cũng khát khao yêu đương thật lòng, lại có một người không hề xinh đẹp, không có tiền, càng không phải phụ nữ nhưng vẫn "cưa đổ" được gần 1.700 trai trẻ. Câu chuyện tưởng như đùa ấy lại là sự thật gây chấn động tại Trung Quốc, phơi bày một nghịch lý: Đôi khi điều khiến người ta rung động, không phải vì đối phương quá hoàn hảo, mà vì họ biết đánh trúng đúng chỗ yếu nhất trong lòng ta.
Đằng sau cú "lừa tình tập thể" là một bài toán tâm lý nhạy cảm

Hồng Tỷ trước và sau khi giả gái.
Sự việc Hồng Tỷ – một người đàn ông 38 tuổi ở Nam Kinh (Trung Quốc) giả gái để lừa tình gần 1.700 chàng trai đang khiến dư luận chấn động. Không chỉ vì số lượng nạn nhân, mà còn vì "chất lượng": toàn trai trẻ, cao ráo, điển trai, có cả huấn luyện viên thể hình, sinh viên, người nổi tiếng trên mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra: Tại sao một người không có nhan sắc, không tiền tài, không địa vị thậm chí là giả gái lại có thể thu hút được gần 1.691 người đàn ông?
Câu trả lời nằm ở tâm lý học xã hội và nhu cầu cảm xúc bị đánh trúng tâm lý nam giới hiện đại.
Theo Journal of Personality and Social Psychology (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ), nam giới thường ít nhận được sự khen ngợi trong đời sống hàng ngày, nên rất dễ bị hấp dẫn bởi những người khiến họ cảm thấy mình "đặc biệt". Khi đối phương dù là một người đàn ông đội tóc giả biết cách tung hô, khen ngợi về ngoại hình, sự ga lăng hay thể lực, họ dễ bị đánh trúng vào cái tôi và... rơi vào bẫy.

Một báo cáo của The School of Life (Anh) do BBC Future trích dẫn cho thấy: Càng nhiều người "trông có vẻ hạnh phúc, thành đạt" thì bên trong càng cô đơn, đặc biệt là nam giới. Không dễ để một người đàn ông thừa nhận rằng mình cần một ai đó quan tâm, động viên, tôn trọng nhưng đó lại là điểm yếu rất dễ bị thao túng.
Và Hồng Tỷ nắm rất chắc điều đó:
Không đòi hỏi gì to tát, chỉ xin hộp sữa, cây dầu ăn, cuộn giấy khiến đàn ông không thấy bị "đào mỏ", mà thậm chí còn thấy mình "ga lăng".
Khen không tiếc lời, từ đôi mắt, chiều cao, cơ bắp cho đến công việc nâng cái tôi đàn ông lên tận mây xanh.
Tặng quà lại cho đối phương 1 cách hào phóng khiến họ nghĩ mình "làm tốt".
Tự tin bất ngờ kiểu như: "Người ta ăn toàn đồ Michelin nhưng ăn cơm bụi cũng thấy ngon thì sao?". Thế nên các cụ mới có câu "cái lạ bằng tạ đường phèn", ăn cả đời thì "khó nuốt" nhưng "nếm thử" có khi nhiều đàn ông lại muốn trải nghiệm.
Và quan trọng nhất là chạm vào đúng tâm lý mà đàn ông thường giấu đi – mong muốn được công nhận, được lắng nghe, được trở thành người hùng.
Và như dân tình đang bình luận vui rằng: Có lẽ cùng là đàn ông nên Hồng tỷ hiểu tâm lý đàn ông chẳng hạn.

Tình cảm cần chất lượng, không cần số lượng
Nhưng sự thật là: Hút được nhiều người chưa chắc là giỏi và chẳng có gì đáng tự hào nếu tất cả đều chỉ lướt qua.
Hồng Tỷ chỉ gặp các nạn nhân trong khoảng 15–20 phút. Đó không phải yêu, không phải kết nối, càng không phải mối quan hệ tình cảm, đó chỉ là "tương tác cảm xúc ngắn hạn" và đa phần là ảo tưởng.
Bạn có thể được 100 người inbox mỗi ngày, 1000 người thả tim story nhưng chỉ cần một trận ốm, một biến cố hay một lần gục ngã sẽ rõ ai thực sự ở lại. Trong tình cảm, một người sẵn sàng cùng bạn đi đường dài quý giá hơn một đám người chỉ xuất hiện khi vui vẻ, tiện lợi.

Nhiều người lầm tưởng hạ tiêu chuẩn là "không đặt nặng vật chất", nhưng thật ra đó là đang mặc cả với chính giá trị của mình. Người đàn ông thật lòng không sợ yêu một người có tiêu chuẩn. Chỉ người không tử tế mới muốn bạn từ bỏ ranh giới cá nhân.
Bạn T.K (23 tuổi ở Hà Nội) chia sẻ quan điểm: "Tôi không hạ tiêu chuẩn. Tôi chỉ cần một người không phải 6.000 người. Tôi sống với người ta cả năm, cả đời chứ không phải 15 phút. Mắc gì tôi phải làm khổ bản thân?".
Câu chuyện của Hồng Tỷ không chỉ là vụ giả gái lừa tình gây sốc mà là một cái gương phản chiếu xã hội hiện đại: nơi cảm xúc bị bỏ đói, nơi sự cô đơn bị trêu đùa và nơi nhiều người sẵn sàng "nhắm mắt lao vào một cái ôm giả tạo", chỉ vì một lời khen.
Tình yêu chưa bao giờ là trò đông người. Nó là việc hai người thật lòng, đủ hiểu nhau và đủ sức đi cùng nhau kể cả khi không còn gì để cho, ngoài sự tử tế.