Anh Hữu Quân (36 tuổi, Hà Nội), quản lý cấp trung tại một công ty công nghệ, kể lại quyết định mà bạn bè nghe qua thì "bất hợp lý", nhưng với anh, đó là điều hiển nhiên:

"Từ ngày vợ tôi sinh bé đầu, cô ấy nghỉ việc hoàn toàn để chăm con. Tôi nói với vợ: Từ tháng sau, anh sẽ chuyển cho em 10 triệu đều đặn như lương. Em không đi làm, nhưng em vẫn cống hiến, chỉ là công việc không có hợp đồng".

Quyết định này của anh ban đầu khiến chị Thảo – vợ anh ngỡ ngàng, thậm chí ái ngại: "Em ở nhà thôi mà, sao phải nhận lương của anh?". Nhưng rồi, khi tháng nào cũng có khoản chuyển khoản đúng ngày, đều đặn như tiền lương cơ quan, chị bắt đầu dùng số tiền đó để tiết kiệm, mua quà cho cha mẹ, thậm chí đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Quan trọng nhất, chị thấy mình không bị phụ thuộc và có tiếng nói rõ ràng trong mọi quyết định liên quan đến tài chính gia đình.

Không lương không có nghĩa không đóng góp – Tư duy tài chính hôn nhân hiện đại

"Không có gì tổn thương hơn cảm giác xin tiền để chi cho chính những việc mình đang âm thầm gánh vác. Lương chồng chuyển đều, không phải vì em đòi hỏi mà vì anh ấy hiểu: Em không đi làm, nhưng vẫn đang 'làm' cho cả gia đình", chị tâm sự.

ng-5-bi-quyet-nay-8-1662620528-318-width768height384-1662694566574-16626945667591859989016-1751965632497-17519656326421861792991-1751985816852-17519858170082123918057.jpg

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Salary.com (Mỹ), nếu quy đổi công việc nội trợ, chăm con, nấu nướng, quản lý chi tiêu gia đình ra lương thị trường, một người mẹ ở nhà có thể "xứng đáng" nhận mức trên 100.000 USD/năm (ước tính năm 2023).

Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức như vậy, nhưng thực tế cho thấy: Người ở nhà nội trợ thường làm việc 12–14 giờ mỗi ngày, bao gồm chăm trẻ, lo ăn uống, dọn dẹp, quản lý sức khoẻ cho cả nhà.

Nếu ta trả lương cho người giúp việc, bảo mẫu, đầu bếp, thì vì sao không 'trả' hay ít nhất là công nhận tài chính cho người vợ, người mẹ đang làm cùng một khối lượng công việc ấy?

Cách làm để "trả lương" cho bạn đời ở nhà mà không biến hôn nhân thành hợp đồng cứng nhắc

Thống nhất trước trong đối thoại vợ chồng: Đây không phải "cấp phát tiền" mà là cách công nhận giá trị đóng góp nên phải xuất phát từ sự tôn trọng chứ không phải ban phát.

Chuyển khoản định kỳ như "lương": Không phải cho theo cảm hứng hay khi nào có dư mà nên cố định theo tháng, như một phần trong ngân sách gia đình.

Ghi nhận rõ vai trò của người vợ: Được trả lương không đồng nghĩa "mất quyền làm chủ", người vợ hoàn toàn có thể chi tiêu, đầu tư hoặc tiết kiệm phần tiền đó theo kế hoạch cá nhân.

Công khai tài chính 2 chiều: Người chồng nên chia sẻ tổng thu nhập để cả hai cùng hoạch định. Vợ có thể không đi làm nhưng có quyền tham gia vào mọi quyết định lớn của gia đình.

Khi tài chính là một cách thể hiện tình yêu không chỉ là tiền, mà là sự công nhận: "Tôi không trả lương cho vợ vì cô ấy đòi hỏi. Tôi làm vậy để cô ấy biết dù không mang tiền về nhà, cô ấy vẫn là một phần không thể thay thế của mái ấm này".

Hôn nhân không cần một bên hi sinh âm thầm, cũng không cần bên kia gánh hết trách nhiệm tài chính. Khi mỗi người đều cảm thấy mình có giá trị – được công nhận và tôn trọng thì tình yêu không chỉ bền, mà còn nhẹ lòng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022