Mối quan hệ của người trưởng thành sợ nhất là "vượt quá giới hạn".
Ngay cả những con nhím rúc vào nhau để giữ ấm trong mùa đông, chúng sẽ giữ khoảng cách, nếu không sẽ làm tổn thương lẫn nhau.
Việc xử lý các mối quan hệ giữa người với người cũng vậy, cho dù đối bên thân thiết đến mấy thì các quy tắc và ranh giới cũng không thể tùy tiện vượt qua.
1. Đừng biến hảo tâm thành điều xấu
Ngay cả khi là lòng tốt xuất phát từ đáy chân tâm hay “vui vẻ giúp người”, cũng đều phụ thuộc vào việc đối phương có sẵn sàng chấp nhận hay không.
Để "quẳng" nỗi âu lo, hãy áp dụng phương pháp "đã lo thì lo cho tới”
Bạn không thể can thiệp vào công việc và cuộc sống của người khác, cho dù bạn thực sự vì lợi ích của họ, bất kể ý kiến và đề xuất của bạn có thực sự hiệu quả. Điều này còn phụ thuộc vào đối phương có đồng ý đón nhận tấm lòng của bạn hay không. Mọi thứ không thể cưỡng cầu từ một phía.
Có thể, bạn đang làm điều đó vì lợi ích của người khác, nhưng kết quả cuối cùng là đối phương khó chịu, phớt lờ hoặc thậm chí mệt mỏi với lòng tốt của bạn. Cho nên, ý tốt cũng phải có sự cân đo đong đếm, một khi gượng ép thì cái tâm chân thành cũng vô nghĩa.
Tích cực giúp đỡ người khác là chuyện nên làm, nhưng chúng ta cũng nên chú ý đến thái độ của họ. Bất kỳ sự tốt bụng nào cũng phải dựa trên sự tự nguyện, chỉ có như vậy mới được coi là sự giúp đỡ từ trái tim.
2. Đừng hỏi chuyện riêng tư
Nếu người khác muốn nói thì họ sẽ tự động mở lời, bạn không cần phải hỏi lại lần thứ hai.
Nếu ai đó hỏi bạn điều gì đó và bạn không muốn trả lời, nhưng lại không muốn thẳng thừng từ chối, bạn sẽ làm gì? Thông thường sẽ có 2 cách: Một, giả vờ không nghe thấy và gián tiếp từ chối trả lời; hai, cố tình chuyển chủ đề và nói sang chuyện khác.
Trong nghệ thuật giao tiếp, im lặng cũng là một kiểu trả lời. Khi trưởng thành, bạn phải học cách thấu hiểu mọi phản ứng của người khác, đặc biệt là sự im lặng trong mọi tình huống.
Nếu người khác không muốn nói, vậy thì cũng đừng hỏi, nếu không bạn sẽ khiến người khác khó xử và cũng tự làm khó mình. Không tọc mạch đời tư, không hỏi han bí mật của người khác, đây chính là một loại tu thân.
3. Đừng giúp đỡ trong miễn cưỡng
Giúp đỡ thì nhất định phải lựa sức mà làm, một khi làm quá sức thì không những phí công mà tình cảm cũng bị tổn thương.
Vì sĩ diện, sợ người khác phật lòng nên không dám từ chối, cuối cùng đồng ý với sự miễn cưỡng. Giúp đỡ người khác bằng thái độ khó chịu sẽ tích tụ sự thất vọng, đến một lúc nào đó, thất vọng đủ nhiều thì mối quan hệ cũng tan vỡ.
Cách tốt nhất là giải thích rõ tình hình và từ chối dứt khoát những việc ngoài khả năng. Đối với những điều không nên mong đợi, không đặt kỳ vọng quá cao và không kỳ kèo với người khác, đó là bí quyết để duy trì các mối quan hệ và tình cảm.
Nếu người khác bắt bạn làm điều gì đó mà bạn không thể làm, và họ có ý kiến về việc bạn từ chối, thì có cần thiết phải gìn giữ một mối quan hệ như vậy không? Bạn bè thực sự là nên nghĩ về nhau, chứ không chỉ mỗi bản thân.
4. Đừng lợi dụng tình cảm
Có những thứ, chỉ một lần thôi, cũng đủ phá hủy một mối quan hệ tốt đẹp. Ví dụ như động chạm đến lợi ích của nhau.
Chúng ta đều biết rằng các mối quan hệ lành mạnh và hài hòa có thể duy trì lâu dài đều phải có sự cân bằng trong trao đổi giá trị. Có nghĩa là hôm nay bạn giúp tôi, ngày mai tôi sẽ giúp bạn, chúng ta hỗ trợ nhau cùng tiến bộ, chứ không phải bên này lợi dụng bên kia.
Có người lúc nào cũng chỉ biết nghĩ lợi cho mình. Cách làm này tưởng chừng như mang lại lợi ích ngay lập tức nhưng thực tế sau một thời gian dài, mọi mối quan hệ đều bị xa lánh. Ai lại muốn mình luôn bị người khác chèn ép và thua thiệt?
Mức độ tin cậy của một người giống như một tài khoản, tương tác với nhau thì điểm trong tài khoản được tích lũy từng chút một. Bạn có thể nghĩ về bản thân, nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng “bạn là duy nhất trong một mối quan hệ”.