Trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới, tuy nhiên nước ta chưa có tên trên bản đồ thế giới về ghép tạng và hiến tạng.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức
Cùng đó, tỉ lệ người dân đăng ký hiến tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới, tỉ lệ người hiến tạng sau chết não cũng cực thấp.
Đó là thông tin PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, chia sẻ sáng 18-1, tại lễ thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo bà Tiến, chúng ta đang sửa Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng.
Tỉ lệ người chết não hiến tạng thấp nhất thế giới
Đến nay, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên chỉ có gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não (tương đương gần 500 ca).
Cả nước có 25 trung tâm ghép tạng, 25% số ca ghép tạng ở Việt Nam được thực hiện ở Bệnh viện Việt Đức. Mỗi năm cơ sở này ghép tới 300 ca.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), cho biết tại bệnh viện này, trong nhiều năm qua, có 107 ca chết não hiến tạng, chiếm tới 70% số ca chết não hiến tạng trên cả nước.
Với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỉ lệ người chết não hiến tạng là 0,1 trên 1 triệu dân, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11. Đây cũng là quốc gia có tỉ lệ người chết não hiến tạng cao nhất châu Á. Con số này ở Tây Ban Nha là 50.
Kỹ thuật ghép mô, tạng ngày càng phát triển và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.
Nhu cầu người bệnh cần ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn, lên đến hàng chục ngàn ca mỗi năm. Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục, tuy nhiên nguồn tạng hiến từ người chết não rất hạn chế.
Thay đổi nhận thức của nhân viên y tế
Tiến sĩ - bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng công tác vận động hiến tạng đã làm nhưng chưa tốt. Việc thay đổi nhận thức của người dân trong thời gian ngắn không phải dễ. Đầu tiên là thay đổi nhận thức của nhân viên y tế và người được trực tiếp giao nhiệm vụ vận động, sau đó mới đến người nhà.
Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác hiện còn một số bất cập. Chẳng hạn, trong quy định bắt buộc một người phải đăng ký hiến tạng thì khi không may chết não mới hiến tạng được nhằm đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên, trước đó nếu họ có đăng ký nhưng sau đó người nhà không đồng ý thì chúng ta cũng không thể lấy tạng được.