Nuôi dạy trẻ là một hành trình khó khăn, cần sự kiên nhẫn và góp sức của tất cả các thành viên trong gia đình. Không chỉ cha mẹ mà ông bà cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục trẻ nên người.
Lý Minh là một nhân viên văn phòng bình thường tại Quảng Đông (Trung Quốc), đã kết hôn với vợ nhiều năm và có một cô con gái đáng yêu, hoạt bát. Công việc bận rộn nhưng mỗi dịp cuối tuần, anh đều cố gắng đưa vợ con về quê thăm bố mẹ vợ.
Mẹ vợ của Lý Minh là một người phụ nữ nhân hậu và chu đáo, luôn tận tâm chăm sóc cháu ngoại, khiến Lý Minh cảm nhận được sự ấm áp của gia đình. Tuy nhiên, một đêm khuya, anh vô tình nghe thấy động tĩnh từ phòng mẹ vợ và chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ. Điều này không chỉ làm anh xúc động mà còn thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về giáo dục gia đình.
Tối hôm đó, gia đình Lý Minh về quê ngủ lại nhà mẹ vợ. Sau một ngày bận rộn, mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Đến nửa đêm, Lý Minh thức dậy để đi vệ sinh rồi bỗng bị những tiếng động nhỏ phát ra từ phòng mẹ vợ thu hút sự chú ý. Anh tò mò nghĩ: "Muộn thế này rồi, sao mẹ vẫn chưa ngủ?".
Anh nhẹ nhàng bước đến trước cửa phòng, qua khe cửa hé, anh nhìn thấy ánh đèn hắt ra. Trong phòng, mẹ vợ anh đang cầm một cuốn sách bài tập tiểu học cùng vài cuốn sách hướng dẫn giáo dục, vừa chăm chú đọc, vừa viết viết, vẽ vẽ trên giấy. Lý Minh sững người, trong lòng tràn ngập thắc mắc: "Mẹ đã ngoài 60, sao còn thức khuya để học thế này?".
Nhìn cảnh mẹ vợ "học bài" giữa đêm khuya, Lý Minh không giấu nổi sự kinh ngạc (Ảnh minh họa)
Sáng hôm sau, Lý Minh không nhịn được liền hỏi: "Mẹ ơi, tối qua con thấy mẹ thức khuya để học. Mẹ đang bận rộn chuyện gì thế ạ?". Mẹ vợ anh tỏ ra ngại ngùng cười: "À, mẹ đang học cách dạy bài tập cho Tiểu Linh (con gái của Lý Minh). Giờ sách vở khác xưa nhiều quá, mẹ sợ mình dạy sai sẽ ảnh hưởng đến cháu".
Nghe những lời này, Lý Minh cảm thấy trong lòng như có dòng nước ấm chảy qua. Anh không ngờ mẹ vợ vì muốn giúp cháu ngoại học tốt hơn mà lại chịu khó đến vậy, thậm chí thức khuya nghiên cứu sách. Sự tận tâm và trách nhiệm của mẹ khiến anh cảm phục vô cùng.
Thực tế, gần đây con gái Tiểu Linh của anh tiến bộ rõ rệt trong học tập, không chỉ thành tích cao hơn mà thái độ học tập cũng tích cực hơn nhiều. Hóa ra tất cả đều nhờ vào sự kiên nhẫn và động viên của bà ngoại cô bé. Bà ngoại không ép buộc cháu phải học, mà luôn nhẹ nhàng hướng dẫn và khích lệ, tạo môi trường thoải mái để Tiểu Linh tiếp nhận kiến thức.
Hành động của mẹ vợ Lý Minh cho thấy, giáo dục trong gia đình quan trọng nhất là sự tận tâm. Sự đồng hành của cha mẹ hay ông bà không chỉ giải đáp thắc mắc của trẻ mà còn khiến chúng cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần cập nhật kiến thức để theo kịp thời đại. Đừng cho rằng giáo dục là trách nhiệm của nhà trường, mà sự tham gia của gia đình đóng vai trò quan trọng không kém. Việc cha mẹ, ông bà không ngừng học hỏi còn góp phần tạo nên tấm gương cho trẻ noi theo.
Dưới sự kèm cặp của bà, thành tích của cô bé Tiểu Linh tiến bộ trông thấy (Ảnh minh họa)
Suy cho cùng, giáo dục con trẻ không phải nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả gia đình. Giáo dục không chỉ là sự đồng hành lâu dài mà còn là sự kế thừa của tình yêu. Mong rằng mỗi gia đình đều tìm được phương pháp giáo dục phù hợp, để trẻ em lớn lên trong sự yêu thương và trở thành những con người có trách nhiệm, độc lập và thành công.
Làm thế nào để phối hợp nuôi dạy trẻ tốt nhất?
Có thể thấy, để trẻ được phát triển toàn diện nhất cần sự phối hợp của tất cả các thành viên trong gia đình. Dưới đây là một số điều mà phụ huynh cần chú ý trong quá trình này:
1. Thống nhất quan điểm giáo dục
Cha mẹ và ông bà cần dành thời gian để thảo luận và đạt được sự thống nhất trong cách giáo dục trẻ. Nếu có khác biệt, hãy tìm cách dung hòa, ưu tiên lợi ích lâu dài của trẻ.
2. Cập nhật kiến thức và phương pháp giáo dục
Các thế hệ trước cần cởi mở học hỏi để hiểu rõ hơn về các phương pháp giáo dục hiện đại, tránh áp dụng những quan niệm lỗi thời. Đồng thời, cha mẹ trẻ cũng nên tôn trọng kinh nghiệm từ ông bà.
3. Đồng hành, không phán xét
Dù là cha mẹ hay ông bà, mỗi người cần chủ động tham gia quá trình giáo dục, thay vì đổ trách nhiệm cho nhau hoặc chỉ trích cách làm của người khác.
4. Đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu
Mỗi quyết định liên quan đến trẻ nên xuất phát từ tình yêu thương và lợi ích của trẻ, thay vì áp đặt ý muốn cá nhân.
5. Xây dựng môi trường học tập thoải mái
Hãy tạo điều kiện để trẻ học trong niềm vui, sự khích lệ và cảm nhận được tình yêu từ cả gia đình. Một môi trường học tập tích cực sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.