Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đối mặt với những quyết định khó khăn và những tình huống phức tạp về mặt tình cảm lẫn tài chính. Câu chuyện về việc cho người thân vay tiền mà không lấy lãi và sau đó phải đối diện với tình huống họ không trả nợ đúng hạn là một ví dụ điển hình cho sự phức tạp của những mối quan hệ gia đình khi tiền bạc trở thành yếu tố can thiệp.
Khi quyết định cho anh chồng vay số tiền 300 triệu để giúp đỡ trong lúc khó khăn, tôi và chồng tôi xuất phát từ lòng tốt và mong muốn được hỗ trợ người thân. Chúng tôi không hề nghĩ đến việc thu lãi vì mối quan hệ gia đình phải được đặt lên trên hết. Anh chồng và vợ anh ta đã hứa sẽ trả nợ vào tháng 10 và chúng tôi tin tưởng vào lời hứa đó.
Nói chính xác thì chúng tôi chấp nhận tự thôi miên mình tin vào lời hứa đó vì khi đã đồng ý cho vay tiền, chúng tôi cũng đã lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra bao gồm cả việc có thể vừa mất tiền vừa mất luôn cả mối quan hệ.
Thế nhưng thật lòng mà nói thì 300 triệu với vợ chồng tôi không phải là quá lớn mà đúng là thời điểm đó anh chị đang khó khăn thật nên dù cũng nghĩ rằng có khi cho vay xong rồi chả nhìn nổi mặt nhau nữa thì vợ chồng tôi vẫn thống nhất là đồng ý cho anh chị vay.
Và có vẻ như vợ chồng tôi đã đoán không sai khi tháng 10 trôi qua và giờ đây đã gần Tết, không những khoản nợ chưa được thanh toán mà còn không có một lời giải thích hay thông báo nào từ phía họ. Khi đến hạn trả tiền, tôi im lặng chứ không hề lên tiếng hỏi han gì về khoản tiền ấy, trong bụng thì nghĩ thật ra chỉ cần anh chị nói 1 câu là cho anh chị chậm trả thêm vài tháng thậm chí cả năm nữa tôi cũng vui vẻ đồng ý. Thế nhưng, ít nhất anh chị phải có lời như cái lúc anh chị đon đả vay vợ chồng tôi.
Tôi cứ lờ đi cho đến giờ là tháng 12 âm lịch rồi mới quyết định nêu rõ vấn đề và hỏi về kế hoạch trả nợ. Lúc ấy chúng tôi nghĩ rằng chắc là anh chị sẽ đưa ra lý do nào đó để chậm trả và đương nhiên là chúng tôi cũng sẽ gật đầu đồng ý thôi. Như tôi đã nói, tôi cần anh chị có lời chứ không hề ép buộc vợ chồng anh chị phải trả nợ ngay.
Thế nhưng, bỗng nhiên vợ chồng chúng tôi trở thành những con người vô lương tâm khi biết thừa anh chị khó khăn mà vẫn đòi nợ. Anh chị quay sang chỉ trích chúng tôi là quân gian ác, sống chỉ biết đến tiền, máu lạnh... Cả tôi và chồng đều đứng hình trước màn diễn vào vai nạn nhân của vợ chồng anh chị.
Sau cú sốc tâm lý ấy, chồng tôi không nể nang gì hết mà yêu cầu anh chị phải trả ngay tiền, chồng tôi vốn là người không hề hiền lành, anh chỉ không muốn làm ầm lên thôi chứ 1 khi anh đã đòi thì anh chị khó lòng mà trốn được.
Sau đó khoảng vài ngày, câu chuyện vay mượn này đến tai mẹ chồng tôi. Bà bắt xe từ quê lên thành phố để bênh vực con trai yêu bằng cách nằm vạ trước cửa nhà tôi. Bà giãy nảy lên, nằm lăn đùng ra lăn lộn trước cửa nhà, khóc lóc và gào thét nói rằng chúng tôi cay nghiệt, ác độc, ép nợ anh ruột.
Chị giúp việc ở nhà 1 mình thấy như vậy sợ đến mức báo công an, thế là mọi chuyện cứ loạn cào cào lên cho đến lúc vợ chồng tôi về nhà. Lúc này bà nằng nặc đòi chúng tôi phải xóa nợ cho con trai yêu của bà, nếu không thì bà sẽ tiếp tục lăn đùng ngã ngửa ra trước cửa nhà tôi.
Đúng là 300 triệu với vợ chồng tôi không phải số tiền lớn, kể cả cho không anh chị cũng được nhưng hành động của anh chị và mẹ lại khiến vợ chồng tôi thất vọng vô cùng. Vợ chồng tôi khá giả hơn thì cũng là vì bỏ công sức lao động ra làm chứ ở đâu ra tiền nào từ trên trơi rơi xuống đầu?
Chồng tôi thì vẫn kiên quyết không xóa nợ dù tôi thì muốn thôi cho luôn cho xong chuyện. Thế nhưng anh nói rằng cho được lần này thì sẽ còn nhiều lần khác, không dứt khoát kiên quyết với họ thì họ còn coi mình là cái ATM sống. Giờ đúng là tôi cũng chẳng biết xử lý thế nào cho ổn thỏa nữa cơ.