Người xem clip "không thở nổi"

Mới đây, trên MXH (mạng xã hội) không ngừng chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé trai bị người đàn ông đánh đập dã man trong phòng khách. Dù bé trai đã ôm đầu khóc lóc xin tha nhưng người này vẫn không ngừng lao tới dùng chân đạp mạnh vào người bé.

Đoạn video ngay sau khi được lan truyền khắp các trang MXH đã khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ trước hành vi bạo lực của người đàn ông cũng như xót xa cho cậu bé.

"Sáng giờ xem mà không thở nổi, dù thằng bé có như nào cũng không nên đánh đập vậy chứ" - Một tài khoản có tên G.L. cho hay.

"Mong pháp luật xử lý nghiêm những hành vi bạo hành trẻ em như này. Đây thực sự là ác mộng tuổi thơ của đứa nhỏ, thương con."

photo-2-1710235051910129254267.jpg

Hình ảnh ghi lại từ camera an ninh

Vụ việc xảy ra tại một nhà dân trên địa bàn phường Tân Thiện (TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Người bị bạo hành là bé L.T.A (9 tuổi) và người đàn ông có hành vi bạo hành là cha dượng bé - L.Đ.T (42 tuổi, ngụ phường Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).

Ngay sau khi xác minh vụ việc, đến trưa ngày 12/3, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp L.D.T. Bé L.T.A đã nhập viện vào trưa 9/3 với chẩn đoán đa chấn thương phần mềm và ra viện vào trưa 11/3.

Những vết thương phần mềm trên cơn thể bé A. có lẽ sẽ nhanh chóng được chữa lành. Vậy nhưng, vết thương trong lòng, những ám ảnh tâm lý gây ra bởi người cha dượng có lẽ sẽ mãi theo bé rất lâu về sau.

Những tổn thương có thể xảy ra đối với trẻ bị bạo hành

Đối với vấn đề trên, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Đặng Minh Khuê - Chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý tại Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) và cũng là chuyên gia tham vấn trị liệu tậm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên cho biết, việc bị bạo hành sẽ làm gián đoạn sự phát triển của não bộ, thậm chí gây ra hiện tượng thoái lui trong tâm lý và hệ thần kinh.

Trẻ bị bạo hành sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần như căng thẳng hậu sang chấn, trầm cảm, lo âu, nghiện,... nghiêm trọng hơn nữa là tự hủy hoại và tự sát. Ngoài ra, trẻ bị bạo hành khi lớn lên có khả năng tiếp tục rơi vào các mối quan hệ độc hại, hoặc trở thành người gây bạo lực cho người khác.

photo-1-17102350498361017744642.jpg

Ảnh minh họa

Thạc sĩ Minh Khuê cũng chỉ ra những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành. Cụ thể:

+ Có những thay đổi không giải thích được trong hành vi hoặc tính cách

+ Thu mình, né tránh giao tiếp với người khác

+ Sợ hãi, lo lắng, tự ti

+ Hung hăng, nổi loạn, dễ tức giận một cách bất thường

+ Thường xuyên biến mất hoặc hay nghỉ học

+ Luôn chọn mặc quần áo che kín cơ thể

+ Có hành vi tự hại hoặc ý tưởng tự sát.

Phục hồi sau bạo lực đôi khi là một con đường dài. Những biện pháp phụ huynh có thể làm:

+ Tách trẻ khỏi môi trường gây bạo lực. Tránh tối đa việc trẻ phải một mình đối diện với người gây bạo lực.

+ Dành cho trẻ thật nhiều sự yêu thương và quan tâm. Kết nối, lắng nghe và khuyến khích trẻ chia sẻ mọi vấn đề của mình cho những người lớn mà trẻ tin cậy. Trẻ bị bạo lực đôi khi có xu hướng hung hăng, tuy nhiên phụ huynh tránh đáp lại bằng sự tức giận.

+ Tạo một môi trường ổn định, an toàn cho trẻ, tránh việc công khai thông tin cá nhân của trẻ lên truyền thông vì có thể tăng nặng sang chấn của trẻ. Có thể liên hệ với mạng lưới nhóm tự lực, hoặc những người có chung vấn đề để chia sẻ và tìm sự đồng cảm, giúp đỡ.

+ Tìm đến những nhà chuyên môn như nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, bác sĩ... Hệ quả của khủng hoảng sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu có thể can thiệp tâm lý trong vòng 6 giờ, vì vậy yếu tố về thời gian rất quan trọng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022