Ngày 26-1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị thương do đốt pháo nổ.
Bệnh nhân nặng nhất là N.H.K (SN 2008; ngụ thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được chuyển đến bệnh viện sáng 18-1 trong tình trạng khó thở, đa chấn thương, mắt không nhìn thấy.
Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị tràn khí vùng cổ 2 bên, mất xương bàn tay của 2 bàn tay, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu phải...
Kíp trực đã đưa bệnh nhân đi mổ cấp cứu. Bệnh viện phải huy động nhiều chuyên khoa để thực hiện ca mổ. Đến ngày 26-1, bệnh nhân còn hôn mê, thở máy, tiên lượng nặng và đang được điều trị tại khoa gây mê hồi sức.
Bệnh nhân thở máy sau tai nạn do đốt pháo nổ
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.H (SN 2006; ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Bệnh nhân này nhập viện ngày 24-1 cũng trong tình trạng đa chấn thương, dập nát tay phải và phần mặt bị bỏng, mắt không nhìn thấy.
Các bác sĩ khoa ngoại chấn thương đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương đồng thời cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.
Bệnh nhân thứ 3 là N.V.D (SN 1999; ngụ quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhập viện ngày 20-1. Tình trạng bệnh nhân bị tổn thương cổ tay và dập nát các ngón tay kèm vết thương nham nhở, nhiều dị vật, chảy nhiều máu, nhiều tổ chức hoại tử.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật vết thương bàn tay, khâu nối cơ đứt, sửa mỏm cụt các ngón tay bị dập. Với bệnh nhân này, bác sĩ điều trị cho hay không thể bảo tồn được các ngón tay.
Bác sĩ Ngô Hạnh, Phó trưởng khoa ngoại chấn thương - Bệnh viện Đà Nẵng cho hay dịp Tết và cận Tết Nguyên đán, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca bị thương do tai nạn từ pháo nổ.
Theo bác sĩ này, những vụ tai nạn từ pháo nổ thường gây ra tổn thương rất nặng, để lại thương tật rất lớn.
Bệnh nhân có thể bị dập nát tay, tổn thương ngực, tổn thương phổi và bụng, gây bỏng, mù mắt. Bác sĩ Hạnh khuyến cáo, phụ huynh nên theo dõi, kiểm tra con em khi mang vật lạ về nhà, nếu phát hiện vật nghi pháo phải ngăn cản ngay.