Cuối năm, khi tôi bảo đưa hai đứa con gái đang học cấp 3 đi mua áo Tết, chúng cười hi hi: “Mẹ cứ cho nhiều tiền, bọn con mua diện ngay, cần gì đợi Tết” . Từ hồi biết tự chọn mua trang phục, các con tôi chủ động sắm đồ đẹp mặc quanh năm với sự phóng tay chi tiền của mẹ nên đối với chúng, Tết có váy áo mới hay không cũng chẳng quan trọng.
Còn tôi, mua áo Tết cho con là một nhu cầu. Hồi chúng còn bé, cứ cuối năm là tôi ngắm nghía chọn đồ rồi mua mấy bộ thật đẹp về giặt cất kỹ, sáng mùng 1 Tết mang ra mặc cho hai đứa. Lúc diện đồ cho con cũng là lúc tôi nhấm nháp vị ngọt ngào của ký ức thời thơ ấu cách đây 3-4 thập kỷ, luôn khao khát một tấm áo mới mà chỉ đến ngày Tết mới được thỏa nguyện.
Hồi đó cả nước nghèo, phần lớn mọi người có quần áo lành lặn để mặc, đủ vài bộ để thay nhau giặt phơi đã là tốt lắm. Nếu có ý định mua áo mới, người ta sẽ dành đến Tết, vì Tết là dịp người ta để dành những gì tuyệt vời nhất, đáng khao khát nhất, những thứ mà ngày thường không có. Đó là miếng ăn ngon, là manh áo mới, là pháo, là bóng bay… Bởi thế mà từ trẻ con đến người lớn đều mong Tết, mong từ tháng 11, 12 Dương lịch.
Bốn anh em chúng tôi lại càng mong lắm, vì ngày Tết, trẻ con nhà nào không biết, chứ chúng tôi thể nào cũng có áo mới. Bố mẹ tôi quanh năm mặc áo bạc màu, sờn nhiều chỗ, thậm chí còn vá khéo vài nơi. Mấy anh em chúng tôi đứa lớn mặc thừa đồ của đứa nhỏ, thế nhưng năm mới đến thì đứa nào cũng được xúng xính trong bộ quần áo Tết của riêng mình.
Tết xưa, trẻ em được mặc áo mới. (Ảnh: Vietnam+)
Để sắm được áo mới cho con, năm nào mẹ tôi cũng nuôi riêng một con lợn mà chúng tôi gọi là lợn Tết. Lợn này không dành cho cỗ Tết mà để mẹ bán đi nhằm chi trả các khoản nợ cuối năm, mua sắm những thứ cần thiết cho cái Tết của gia đình và đặc biệt là mua áo cho bốn đứa con. Mẹ nói, dù khó khăn đến đâu, ngày Tết trẻ con đều phải có manh áo mới.
Và cứ đến tháng Chạp, hễ thấy mẹ gọi người đến bán lợn là anh chị em chúng tôi biết mình sắp có quần áo đẹp để mặc. Mẹ ra chợ mua 2 tấm vải rồi mang đến nhà cô Thanh thợ may trong xóm, dắt theo chúng tôi. Thật khó miêu tả cảm giác hồi hộp, hãnh diện khi cô mang thước ra đo cho từng đứa, khen đứa này cao lên nhiều, đứa kia càng lớn càng xinh.
Lúc nào cô Thanh cũng phàn nàn “chị mang vải đến muộn thế này em làm sao may kịp cho 4 đứa ”, nhưng rồi cô vẫn làm kịp, dù có năm đến tận sáng 30 mẹ mới nhận được đồ. Hai đứa con trai mặc cùng một mẫu vải, một kiểu quần áo, hai đứa con gái cũng vậy, nhìn là biết ngay trẻ con một nhà.
Từ lúc có áo mới, chúng tôi chẳng mong gì hơn mùng 1 Tết nhanh đến. Sau khi ngủ dậy, đánh răng rửa mặt, mấy anh em vội lôi đồ mới ra mặc, ngắm nghía mãi. Cái mùi vải còn mới thật thơm làm sao! Phải sống ở thời thiếu thốn ấy mới thấu hiểu niềm vui lâng lâng suốt mấy ngày của những đứa trẻ diện áo Tết. Đó là những cảm xúc in đậm trong tim, không thể nào quên dù đã mấy chục năm trôi qua.
Khi đến lượt tôi làm mẹ, cuộc sống đã đủ đầy. Con tôi không bao giờ thiếu đồ ăn ngon, quần áo đẹp. Có lẽ nhu cầu mua áo Tết cho con của tôi không chỉ là sự hoài niệm hay duy trì truyền thống, mà còn giống như cách gửi nhớ thương đến thời thanh xuân vất vả của mẹ, người mà chỉ đến tuổi già mới có áo Tết, do con cái mua tặng.
Tôi chợt nhận ra, cũng như mẹ, vào cuối năm, tôi không nghĩ mua áo Tết cho mình.