Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi may mắn tìm được công việc đầu tiên. Cũng như bao sinh viên mới ra trường khác, tôi thấy mức lương khá hấp dẫn. Do không nợ nần nhiều sau khi học, tôi đã lên kế hoạch thuê một căn hộ thật đẹp và sắm một chiếc xe mới.
Nhưng rồi, một cuộc trò chuyện với cha đã khiến tôi suy nghĩ lại về những dự định đó. Cha tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm phòng khi có trường hợp khẩn cấp. Ông cũng nói rằng tôi đã đến lúc không thể đưa ra quyết định chi tiêu theo cảm tính nữa.
Kể từ thời điểm này, mọi quyết định tài chính đều quan trọng. Hai lời khuyên của ông đã giúp tôi không sống trong cảnh "viêm màng túi" suốt 10 năm qua.
Lời khuyên đầu tiên cha tôi đưa ra là tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập
Đây là một lời khuyên đúng đắn bởi khi còn trẻ, tôi chưa có nhiều nợ nần hay trách nhiệm. Việc tận dụng thời điểm này để tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt là điều hợp lý. Hơn một thập kỷ sau, tôi vẫn luôn ưu tiên việc tiết kiệm, tập trung xây dựng quỹ khẩn cấp và tích lũy hưu trí cá nhân. Việc lơ là lời khuyên này chính là nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào cảnh sống paycheck to paycheck (sống dựa vào từng kỳ lương).
Thành thật mà nói, viễn cảnh đó thực sự đáng sợ. Đa số người Mỹ không có đủ tiền tiết kiệm để chi trả cho trường hợp khẩn cấp 500 USD. Điều này đồng nghĩa với việc khi gặp phải tình huống bất ngờ, họ có thể không có khoản dự phòng tài chính nào, dẫn đến việc phải vay nợ lãi suất cao để giải quyết vấn đề.
Dù là mới bắt đầu sự nghiệp hay đã đi làm lâu năm, việc tiết kiệm 20% thu nhập có thể là một thử thách, nhưng hãy tập thói quen gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm lãi suất cao. Bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm được quá nhiều tiền bởi các khoản chi phát sinh bất ngờ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Một khoản dự phòng tài chính chắc chắn sẽ giúp bạn dễ dàng đối phó với những tình huống này.
Ảnh minh họa
Lời khuyên thứ hai của cha là phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn
Đây là điều mà tôi vẫn còn phải học hỏi. Cha tôi đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với tôi về vấn đề này. Biết phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn chính là quyết định bạn sẽ có tiền hay sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Nhu cầu tài chính là những chi phí thiết yếu cho cuộc sống và công việc, chẳng hạn như nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm.
Còn mong muốn là những khoản chi giúp bạn sống thoải mái hơn hoặc hướng đến lối sống mà bạn mong cầu, chẳng hạn như du lịch, giải trí, quần áo, giày dép hàng hiệu hoặc ăn uống bên ngoài.
Việc nhận thức được sự khác biệt này và hiểu rõ nó ảnh hưởng đến ngân sách của bạn như thế nào là rất quan trọng. Bạn có thể tiêu quá nhiều tiền cho những thứ mình muốn mà sau khi lo xong các nhu cầu thiết yếu thì chẳng còn lại đồng nào.
Khi nghe người ta nói "tôi hết tiền trước khi hết tháng", đó chính là điều đang xảy ra. Việc ra ngoài ăn uống, đi du lịch hay sở hữu một vài món đồ hàng hiệu không có gì là sai. Nhưng khi bạn làm những việc này quá thường xuyên, nó có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của bạn.
Bài học tôi rút ra từ cuộc trò chuyện với cha là tập trung xây dựng quỹ khẩn cấp, lập và tuân thủ ngân sách trước khi vung tiền, và tôi vẫn đang làm điều đó.
Nguồn: Businessinsider