Tiểu Mỹ sinh ra ở một vùng nông thôn xa xôi ở Trung Quốc. Mới năm tháng tuổi, mẹ mắc bạo bệnh qua đời, cô bé được đưa đến nhà bà ngoại sinh sống. Người cha sau đó đi làm xa. Giữa Tiểu Mỹ và cha vì thế hầu như không có sự tương tác.
Trong ký ức ít ỏi của mình, Tiểu Mỹ nhớ khoảng thời gian đoàn tụ với cha chỉ là mấy ngày Tết hàng năm. Có lần, lúc cô bé khoảng 7, 8 tuổi, nghe cha sắp về nhà liền vui mừng hết sức, tối nào cũng ngồi xổm bên lò sưởi thức đêm chờ cha, tưởng tượng đủ thứ hình ảnh đẹp đẽ.
Thế nhưng, hành động đầu tiên của ông với Tiểu Mỹ không phải là một cái ôm mà là lời phê bình: "Đã mấy giờ rồi, còn không ngủ? Suốt ngày chỉ biết chơi thôi".
Trong lần gặp gỡ hiếm hoi đó, những câu cha dành cho Tiểu Mỹ cũng xoay quanh sự chỉ trích: "Làm cái gì mà nhảy nhót thế kia, không đi đứng cho đàng hoàng"; "Ăn nhồm nhoàm chẳng ra thể thống gì cả"; "Học hành kiểu gì toàn điểm trung bình?"...
Cho tới nay đối mặt với sự chỉ trích của cha, Tiểu Mỹ hiểu chuyện luôn cho rằng "cha chẳng qua là không giỏi ngôn ngữ biểu đạt". Sau đó cha cô tái hôn, sinh thêm con, nhìn cha nâng niu em gái, có sự đối lập hoàn toàn với mình, Tiểu Mỹ không khỏi chạnh lòng. Tình cảm của hai cha con cũng dần dần xa cách, đôi khi mấy ngày cả một câu cũng không nói với nhau.
Cứ như vậy, thoáng cái hai mươi mấy năm trôi qua, hiện tại dù đã làm mẹ nhưng Tiểu Mỹ vẫn không thoát khỏi sự chỉ trích cằn nhằn của cha. Ngày lễ Tết gọi điện quan tâm hỏi thăm, âm thanh bên kia trả lại chính là hai tiếng khô khan: "Chuyện gì?". Sau khi Tiểu Mỹ trả lời "không có việc gì", cuộc nói chuyện cũng tắt ngúm. Cứ thế, Tiểu Mỹ ngày càng ít liên lạc với cha, tình cảm ngày càng đi xuống.
Mấy ngày trước, Tiểu Mỹ về quê, mua cho cha bộ dụng cụ câu cá yêu thích. Kết quả ông tức giận mắng: "Đồ của con bất hiếu, ta không cần". Thì ra vì rất ít khi liên lạc nên người cha cho rằng con cái là kẻ phản bội, vô ơn.
Trên thực tế, không có con cái nào không yêu cha mẹ, không có đứa trẻ nào tự dưng nổi loạn, vô ơn. Đằng sau mỗi đứa trẻ như vậy thường có một bậc cha mẹ "miệng độc hại". Nhiều người vin vào cớ "không giỏi ăn nói" để ngụy biện cho sự cộc cằn, thô lỗ, thiếu ý tứ của mình. Nhưng lời nói phát ra cay độc sẽ tạo thành một vết thương khó lành cho trẻ, khiến mối quan hệ cha mẹ và con cái ngày càng xa cách.
Nhiều cha mẹ không ngừng cằn nhằn, can thiệp, chỉ trích, phủ nhận con. Theo nghiên cứu, não bộ của trẻ từ khi ba tuổi có thể ghi nhớ ký ức rất lâu. Ký ức đặc biệt có thể khiến chúng nhớ suốt đời. Riêng ở những em bé có chỉ số xúc cảm cao, chúng sẽ ghi nhớ nhanh và sâu hơn trẻ khác.
Một đứa trẻ khi lên ba được cha dẫn vào rừng chơi, ký ức ấy có thể đi theo nó cả đời. Cũng như vậy, nếu vô ý trẻ làm bể chiếc ly và cha chúng nói một vài câu nặng nề, nó cũng sẽ ghi nhớ điều ấy vào não bộ và có thể ám ảnh cả phần đời còn lại.
Chưa kể, khi bị ai đó công kích lòng tự trọng, tâm trạng chúng ta thường bị ảnh hưởng tiêu cực. Một cách tự nhiên, bản năng có thể mách bảo bạn đối xử với người khác như cách bạn từng bị đối xử. Có người mẹ đã kể rằng: "Thời nhỏ tôi thường bị cha mẹ mắng là đần. Lúc ấy tôi vô cùng tức giận và căm phẫn cha mẹ tôi. Vậy mà nhiều lúc bây giờ tôi cũng mắng con đúng như vậy. Tôi không thích điều đó, nhưng những lời đó cứ tuôn ra một cách tự nhiên, không cần sắp xếp lại".
Để ngăn cản con thành đứa trẻ "vô ơn", cha mẹ cần làm gì?
Thứ nhất, "quản" miệng
Lời nói của cha mẹ đối với con cái tạo ra ảnh hưởng rất lớn. Ai đã đọc cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đều nhớ quy tắc của Dale Carnegie: "Muốn cải thiện một người mà không làm cho người đó giận dữ, hãy bắt đầu bằng cách tặng vài lời khen thành thật".
Bất kỳ ai, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ đều muốn người khác nghĩ mình tài giỏi. Trẻ con có xu hướng lặp lại hành vi, khi cha mẹ khen ngợi một hành động của con, con sẽ thích thú lặp lại hành vi đó. Người lớn chúng ta khi ra ngoài thì không tiếc lời khen ngợi con người khác, nhưng về nhà lại kiệm lời khen cho con cái mình. Khi trẻ bị stress, sợ hãi, bối rối, lo lắng thì đây là lúc chúng cần tình yêu thương vô điều kiện của mọi người hơn là những đòn roi hay sự chỉ trích.
Người ta nói "vết loét dao dễ dàng liền sẹo, lời nói cay độc khó tiêu tan". Dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì bảo con là "ngu đần", "hư hỏng", "vô tích sự", cha mẹ hay nói lên cảm xúc của mình, chẳng hạn: "Con thi trượt mẹ buồn quá" hay "Chơi điện tử thích lắm hả con? Nhưng dù sao bố cũng không vui khi con mải mê quá độ".
Những câu nhận xét, thể hiện cảm xúc như vậy có tác dụng khơi gợi và dẫn dắt con cái tốt hơn là những lời đao to búa lớn. Hãy luôn nhớ rằng giận dữ chỉ là sự tàn phá chứ không có tính xây dựng.
Thứ hai, cố gắng giữ tâm trạng tốt
Cha mẹ làm bạn với con là gieo những cảm xúc tích cực cho con. Khi cha mẹ cáu gắt, việc phải chứng kiến cha mẹ giải tỏa cảm xúc tiêu cực, đối với trẻ tương đương việc phải chứng kiến thế giới của chúng đang bất ổn. Vậy nên cách cha mẹ biết hóa giải những cảm xúc tiêu cực, biết cách làm mình bình tĩnh trở lại hết sức quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cách trẻ có thể điều tiết tâm trạng của bản thân.
Để dạy con đúng cách, thay vì vô thức phản ứng khi tức giận, hãy dành một chút thời gian để "nhìn lại". Đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ khi chứng kiến sự cáu kỉnh và tức giận của người lớn, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bằng cách dành ra 1 phút bình tĩnh lại, bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi cơn tức giận và làm giảm mức độ nghiêm trọng của những cảm xúc tiêu cực.
Cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu rằng: Con có thể tức giận, có thể bực bội nhưng con không nên có những hành động bộc phát như dùng vũ lực, hoặc dùng từ ngữ cay độc để tổn thương người khác.
Thứ ba, làm một tấm gương tốt
Nhiều bậc phụ huynh mắng con cái không vâng lời, nổi loạn, ghét đi học, trên thực tế, thông qua môi trường gia đình và phương pháp giáo dục để quan sát, không khó để phát hiện ra rằng sự phát triển của trẻ là ảnh hưởng từ cha mẹ. Cha mẹ thích đọc sách dễ dàng tạo nên một đứa trẻ tập trung vào việc đọc, cha mẹ yêu kiến thức, ham học hỏi, quan tâm con cái, tự nhiên con cái cũng học tập cũng tích cực và tiến bộ.
Vì vậy, trước khi yêu cầu trẻ trở thành kiểu người nào, là cha mẹ trước tiên phải làm gương. Nếu hy vọng rằng con cố gắng đọc sách, mỗi ngày cha mẹ có thể hỏi một số chủ đề liên quan đến kiến thức, sau đó phải nhiệt tình trả lời những thắc mắc của trẻ. Muốn con suy nghĩ tích cực, chính cha mẹ phải là người lạc quan. Muốn con quản lý tốt cảm xúc, cha mẹ phải giữ bình tĩnh. Muốn con nói lời đẹp ý hay, cha mẹ cần hạn chế phát ngôn lời cay độc.
- Tham khảo thêm
Khác biệt trong cách nuôi dạy trẻ ở các nước