Bố chồng tôi là người tốt bụng nhất làng. Ông sẵn sàng cho vay tiền bất cứ ai, từ người quen đến hàng xóm xa lạ, miễn là họ mở miệng. "Ai cũng có lúc khó khăn, giúp được thì giúp" – câu nói cửa miệng của ông khiến tôi nể phục, nhưng cũng khiến tôi lo lắng.
Từ ngày tôi về làm dâu, tôi đã chứng kiến vô số lần bố chồng rút tiền tiết kiệm cho người khác vay. Từ bác hàng xóm xin vay 50 triệu để sửa nhà, ông cho vay ngay lập tức, không cần giấy tờ.
Rồi có lần người bạn cũ xin vay 30 triệu chữa bệnh, ông cũng đưa luôn, chẳng hỏi bao giờ trả. Thậm chí, có người mới quen cũng được ông giúp đỡ, chỉ vì họ khóc lóc kể khổ.
Tôi từng nhắc khéo: "Bố ơi, cho vay thì nên lập giấy tờ cho chắc" , nhưng ông cười hiền: "Người ta khổ lắm, đòi giấy tờ làm gì cho mất lòng" .
Mọi chuyện thay đổi khi bố chồng tôi bị xe tông, gãy chân, phải nằm viện 2 tháng. Cho đến ngày ông bị tai nạn gãy chân, nằm liệt giường, tôi mới chứng kiến sự thật phũ phàng.
Trong khi gia đình tôi chạy vạy tiền viện phí đóng ban đầu vì đúng thời điểm đó, gia đình tôi đang dồn hết tiền để đầu tư công việc. Tôi phải khẳng định rằng bố mẹ chồng tôi chẳng thiếu tiền nhưng cuộc đời ấy mà, luôn luôn có những lúc rơi vào khó khăn 1 cách kỳ lạ.
Lúc này tôi ngỡ ngàng khi nhận ra: Không một con nợ nào của bố chồng đến thăm ông, dù chỉ là lời hỏi thăm. Có người còn tránh mặt, giả vờ không biết ông bị nạn. Có lẽ họ sợ vì ông gặp nạn, gia đình tôi sẽ đòi tiền của họ chẳng? Kể cả là vậy thì tiền vay của người ta cũng phải trả chứ?
Kẻ ông từng cho vay tiền chữa bệnh giờ giàu lên, mua xe mới, nhưng không trả đồng nào. Đầy người chẳng thiếu tiền đâu nhưng có lẽ thấy bố chồng tôi quá tốt nên muốn quỵt luôn!
Tôi cười khẩy và nhận ra lòng tốt của ông bị xem như điều hiển nhiên, chẳng ai trân trọng. Giúp người khác 1 lần thì họ cảm kích, chứ giúp đỡ quá nhiều lần và quá dễ dàng, họ sẽ xem đó là điều hiển nhiên.
Bố chồng tôi là người quá tốt nên khi đau ốm bệnh tật mới thấy phước đức của ông lớn chừng nào. Mặc dù tai nạn rất nặng nhưng thương tích của ông không hề đáng lo ngại, khả năng bình phục còn nhanh đến mức bác sĩ còn phải bất ngờ.

Khi bình phục, bố chồng tôi thay đổi hoàn toàn. Ông lập danh sách con nợ, đi từng nhà đòi tiền. Những cảnh tượng tôi chứng kiến khiến tôi thương ông vô cùng. Từ 1 con người vô tư lự, ông phải sốc đến thế nào mới nghĩ đến việc đi đòi nợ.
Thế nhưng ông rất rõ ràng, những người quan tâm, thăm hỏi ông thời gian đó, ông xác định luôn là cho người ta khoản tiền người ta đã vay luôn. Còn những kẻ nhận ơn của ông nhiều vô kể nhưng lúc ông bệnh tật thì lặn mất tăm thì lại khác.
Tất nhiên cũng có người trả ngay, một vài người biết điều, trả đủ cả gốc lẫn lãi. Nhưng cũng không ít kẻ lật mặt ngay được.
"Tôi vay của anh lúc nào mà anh đòi?"
"Nhà cháu còn khó khăn, bác giàu rồi đòi làm gì cho mệt?"
"Chú đợi khi nào có thì anh trả chú, giờ anh chịu!"
Có người còn dọa kiện ngược vì cho rằng ông cho vay nặng lãi (dù thực tế ông chẳng lấy lãi bao giờ).
Sau tất cả, bố chồng tôi ngồi lặng hàng giờ, ánh mắt đục ngầu đầy suy tư
Tôi nhẹ nhàng nói với ông:
- Thôi bố ạ, của đi thay người. Giúp người là tốt, nhưng phải biết họ có đáng hay không. Mà sau này bố cho ai vay phải có giấy tờ rõ ràng, dù là người thân. Thật ra cứ mất lòng trước được lòng sau. Mà cũng là không để cho họ có cơ hội nảy sinh lòng tham. Bố đừng để lòng tốt bị lợi dụng nữa.
Nhưng người tốt ấy mà, họ lấy lại tinh thần nhanh lắm. Ông vẫn giúp đỡ người thực sự khó khăn, nhưng rất rõ ràng, vay ra vay mà cho ra cho. Còn những kẻ vô ơn? Ông chỉ cười lạnh: "Đời sẽ dạy chúng nó bài học thôi, còn mình thì không thể vì 1 vài người xấu mà cũng xấu theo họ được con ạ!".