Đúng là có những cuộc tình, đọc xong người ta sẽ cảm thấy cả sự đau lòng lồng vào đó. Đôi khi, chỉ cần những việc làm nho nhỏ, chứa đầy tình yêu dành cho nhau của bố mẹ thôi cũng đủ khiến con cái mỗi khi nhớ lại phải rưng rưng nước mắt.

Chuyện tình giữa anh trai phố Hà Nội và cô gái quê “liều lĩnh”

Hạnh, 19 tuổi, đang sống tại California, Mỹ. Một cách khá rụt rè, cô kể về câu chuyện tình yêu của bố mẹ. Đám cưới của bố mẹ Hạnh được tổ chức vào năm 1994, khi ấy, mẹ cô chỉ mới 17 tuổi.

Hạnh tâm sự: “Mẹ là người hay kể chuyện ngày xưa còn bố thì hiếm lắm. Lí do cũng bởi mình cứ quấn lấy mẹ xong đòi kể chuyện cho nghe.

Nhà nội mình ở Hà Nội, bố là trai phố đấy. Mẹ là người Hà Nam. Có lần, bố dỗi bà nội bỏ về quê chơi với ông trẻ. Vô tình sao, chị gái mẹ lại ở gần nhà ông trẻ bố. Cuối cùng, hai người bàn nhau làm mối cho bố và mẹ. Ngày ấy, cả bố lẫn mẹ đều là trai xinh gái đẹp. Gặp nhau lần đầu thì ưng ngay thôi.

Bố mẹ yêu nhau nhanh chóng và nhận nhiều sự ủng hộ giữa hai bên. Bố cứ đi đi, về về để thăm mẹ dù khoảng cách và xe cộ hồi đó chẳng thuận tiện tí nào.

Bố là trai phố nên về quê bị trai làng trêu trêu rồi chặn lại. Nhưng mẹ là người rất mạnh dạn, cũng liều lĩnh nên mỗi lần thế là mẹ chạy đến, kéo bố đi rồi bảo vệ bố ngay trước mặt mấy ông đó”.

photo-1572614342776-15726143441081641140041.png

Hình ảnh bố mẹ Hạnh trong đám cưới.

Chỉ ba tháng sau khi quen biết, bố mẹ Hạnh về chung một nhà bằng đám cưới khá hoành tráng so với những năm đầu thập niên 90.

Hạnh tiếp tục kể thêm: “Mẹ sau này vẫn khen ngày đó bố về quê tán vợ ngoan và lễ phép. Ai nói gì bố cũng khoanh tay, vâng, dạ. Nhà nội có điều kiện hơn nên đám cưới tổ chức khá hoành tráng, lễ cũng lớn, có xe hơi rước dâu nữa. Nghe nói tiền để tổ chức cũng mất một khoản lớn lắm. Vì trai phố ngày ấy đám cưới thì cũng ‘oai’ mà.

Mẹ là con út trong nhà được chiều chuộng lắm. Hồi chưa chồng mẹ chỉ có làm việc nhà rồi đi học thôi. Sau này, mẹ có giúp bà ngoại bán rau ở chợ chứ chưa phải làm gì vất vả bao giờ”.

Gái quê mà cưới trai phố rồi lại được mặc áo cưới, rước dâu bằng xe hơi là điều hiếm có vào thời điểm đó. Mẹ của Hạnh lại là người xinh đẹp được nhiều người yêu mến trong làng nên chẳng tránh được một vài điều tiếng.

“Có người khen, ngưỡng mộ chứ, đám cưới đặc biệt mà. Tuy vậy, nhiều chú, bác mà tán mẹ ngày xưa không được cũng ‘cay cú’ lắm. Họ bảo mẹ là đi lấy ‘ông chú’. Tại thời điểm kết hôn, bố hơn mẹ 6 tuổi và so với ngày ấy thì khoảng cách đó thật sự đáng kể”, Hạnh chia sẻ.

photo-1572598783187-15725987831961565434052.png

Tình yêu cho đến ngày cuối của cuộc đời!

17 tuổi lên xe hoa rồi về làm dâu, cuộc sống của mẹ Hạnh là một chuỗi ngày vất vả. Đến cô con gái cũng chia sẻ rằng những ngày đầu đó của mẹ ‘khổ quá đi thôi’.

Hạnh kể thêm: “Sau khi đám cưới, bố mẹ sống ở Hà Nội cùng ông bà nội. Ngày đó, bố là phụ xe buýt, mẹ mở quán bán bún chả. Mẹ được cái nấu ăn khéo nên đông khách lắm. Bố đi làm có tiền thì suốt ngày mua sữa và quần áo đẹp cho hai chị em.

Ngày đó mẹ còn khổ vì bà nội ghê gớm. Bà thương con trai nên nói con dâu chẳng tiếc lời. Mẹ nhẫn nhịn, chẳng bao giờ cãi lời. Sau này, mẹ hay dẫn bà đi chùa nên bà hiền đi nhiều lắm. Hai mẹ con từ đó mà thương nhau nhiều hơn.

Bố mỗi khi chứng kiến mẹ mình mắng vợ, bố cứ gàn đi để mọi chuyện không bị xé ra to. Đêm về hai vợ chồng lại thủ thỉ tâm sự. Bố hay làm ra vẻ không quan tâm, ‘xùy xùy’ nhưng thực chất bố để tâm lắm đấy chứ”.

photo-1572598775462-15725987754681902998759.png

Chỉ với những kỷ niệm nhỏ nhặt, chắp vá về bố mẹ, Hạnh cũng hiểu tình yêu bố dành cho mẹ cô lớn đến như thế nào. Có thể, bố cô không giỏi ăn nói nhưng những hành động ông thể hiện ra, dù nhỏ nhưng chứa đầy sự quan tâm và tâm lý vô cùng.

Mỗi khi nói chuyện với người khác mà nhắc đến mẹ, lúc nào bố cũng dùng từ ‘vợ em’ hoặc ‘vợ con’. Đi đâu ăn nhậu nhưng về đến nhà nếu biết mẹ có phần cơm, bố vẫn ăn thêm. Bố ra ngoài chơi mà mình xin theo cùng thì đều bị gạt ra, kiếm lí do bắt con ở nhà còn đâu bố cứ rủ mẹ đi.

Thời xưa, chỉ có điện thoại bàn, bố lưu số ở nhà là vợ con. Sau này lớn lên, ai cũng có điện thoại riêng, bố lại lưu mẹ là vợ. Con cái gọi qua bố chỉ ‘alo’, riêng mẹ mà gọi thì luôn luôn là ‘alo anh nghe”, Hạnh chia sẻ.

Hạnh nhớ nhiều kỷ niệm của bố với mẹ. Trên hết chính là sự tôn trọng và đong đầy yêu thương. Cô tâm sự rằng có nhiều chuyện mà đến tận bây giờ ngẫm lại mới hiểu được hết.

Hạnh tiết lộ: “Ngày lễ Tết bố ít mua hoa hay quà cho mẹ lắm. Bố toàn bảo: ‘Mẹ mày chỉ thích hoa đồng tiền thôi’ nên có gì quy ra tiền hết. Ngày xưa bọn mình vô tâm lắm, có năm quên sinh nhật mẹ, bố nhắc ngay: ‘Sinh nhật mẹ mày mà chẳng đứa nào nhớ à?’. Sau bữa tối chúc mừng, bố lại rủ mẹ ra ngoài đi dạo, các con tự dọn dẹp. Khi về nhà, bố bảo: ‘Bọn tao đi ăn kem đấy’.

Bố là người ngoài lạnh, trong nóng. Quần áo vợ mua cho chê lên chê xuống, cứ bảo mua làm cái gì nhưng sau đó bố suốt ngày mặc. Hôm nào vợ đi vắng xong bố ở nhà nấu được bữa cơm mà vợ khen là phổng mũi, cười cả ngày. Tất cả đều chỉ là những mẩu chuyện bé xíu thôi nhưng nhớ lại, mình xúc động quá”.

Chỉ tiếc rằng, họ đã không thể cùng nhau tiếp tục câu chuyện tình yêu bình dị, nhỏ xinh nhưng ấm áp ấy nữa. Hiện tại, Hạnh chỉ còn một mình trên đời vì cả bố mẹ và chị gái đều đã mãi mãi rời xa cô.

photo-1572598759916-15725987599212146715754.png

Sau 4 tháng tự đứng trên đôi chân, Hạnh đã có thể phần nào bình tĩnh và kể những câu chuyện về họ. Có nhiều điều cô nhận ra khi bố mẹ không còn nữa. Cô càng ngưỡng mộ mà tình cảm họ dành cho nhau ngày xưa.

Hạnh ngậm ngùi: “Bố mẹ mình không giàu có nhưng đã cùng nhau trải qua những ngày tháng khó khăn, làm đủ loại công việc để nuôi con nên người. Nhiều lúc họ không thể hiện bằng lời nhưng nhìn cái cách họ chăm sóc nhau, cùng bảo nhau cố gắng là mình chắc chắn nếu được sống tiếp họ sẽ thật hạnh phúc. Cả bố và mẹ đều biết cùng phấn đấu để xây dựng hôn nhân ấm êm mà. Mình ngưỡng mộ họ lắm.

Vợ chồng đến với nhau bằng chữ duyên, bên nhau bởi chữ nợ. Nếu còn duyên còn nợ thì có lẽ kiếp sau họ sẽ lại gặp nhau.

Mình cũng để bố mẹ được hỏa thiêu cùng một lúc. Hai vợ chồng được đi tiếp với nhau chặng đường còn lại, coi như cũng là một điều tốt đẹp, sự an ủi lớn nhất”.

Đúng là một câu chuyện tình đẹp nhưng mà buồn. Họ đã quen biết, đến với nhau bằng sự sắp xếp vô tình. Họ là một gia đình, phấn đấu hết sức để làm việc nuôi con và kết lại, họ cùng nhau dắt tay bước sang một thế giới khác. Đôi khi, có nhiều mối tình của bố mẹ khiến người ta phải suy nghĩ mãi. Những điều nhỏ bé cũng là minh chứng cho cả một hạnh phúc to lớn mà thời bây giờ nhiều người phải ước ao.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022