Hình minh hoạ.
Bệnh nhi được thăm khám và nhanh chóng tiến hành nội soi chẩn đoán. Qua quá trình nội soi tiêu hóa phát hiện tại hành tá tràng có 2 ổ loét đang chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành kẹp cầm máu giảm tình trạng xuất huyết.
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Lân, Trưởng Trung tâm Nội soi, bệnh nhi được chẩn đoán loét hành tá tràng Forrest IB, III, HP+, biến chứng thiếu máu mức độ trung bình. Bệnh nhi được điều trị nội khoa tích cực ổn định ổ loét, nuôi dưỡng tĩnh mạch và theo dõi sát tình trạng xuất huyết.
Sau 7 ngày, sức khỏe bệnh nhi ổn định, ăn uống tốt và được xuất viện, tiến hành điều trị loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP theo phác đồ chuẩn.
Để phòng ngừa biến chứng thủng ổ loét dạ dày tá tràng, ThS.BS Trần Nhật Phương, Khoa Nhi cho biết cần phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, trong đó vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân hay gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo để phòng lây nhiễm HP cho trẻ, người lớn nên hạn chế nhai mớm thức ăn cho trẻ, hôn môi trẻ. Mỗi người nên có bộ dụng cụ ăn uống riêng, không dùng chung. Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh. Diệt ruồi, gián... là những trung gian truyền bệnh.
Ngoài ra, thường xuyên khám sức khỏe tổng quát cả gia đình để phòng ngừa bệnh. Trường hợp các bé gặp các triệu chứng như đau bụng, chán ăn, buồn nôn, da xanh xao nên đến các cơ sở y tế uy tín gần nhất để điều trị kịp thời.