Những cách tự nhiên để tăng khả năng sinh sản của phụ nữ một cách hiệu quả là thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục, dinh dưỡng và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh - những cách này đã được chứng minh là làm tăng khả năng sinh sản lên đến 69%. Mọi phụ nữ quan tâm đến việc làm mẹ đều quan tâm đến những cách để tăng cơ hội mang thai .
Dưới đây là 7 cách hoàn toàn tự nhiên để tăng khả năng sinh sản:
1. Cải thiện khẩu phần ăn hàng ngày khi có kế hoạch mang thai
Chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng trong việc tăng khả năng sinh sản của phụ nữ. Các bác sĩ khuyên phụ nữ nên giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 đến 25. Nên giảm lượng thức ăn nhiều calo và chất béo, thay vào đó ăn rau lá xanh, trái cây tươi, sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và tránh xa chất béo bão hòa. Ngoài ra nên ăn thực phẩm giàu Omega 3, 6 và 9 giúp điều hòa nội tiết tố, tăng cường chức năng não bộ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt . Hạt lanh và các loại hạt cũng là những nguồn cung cấp chất béo lành mạnh có chứa Omega 3 - 6 - 9 quan trọng.
Chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng trong việc tăng khả năng sinh sản.
Các sản phẩm sữa nguyên kem tốt hơn nhiều so với các sản phẩm tách kem. Các sản phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và tăng khả năng thụ thai của phụ nữ.
Rau xanh là nguồn cung cấp sắt và acid folic tuyệt vời, đây là hai trong số những nguyên tố quan trọng nhất mà bất kỳ phụ nữ nào muốn mang thai đều phải có để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng . Tốt hơn là bổ sung acid folic thời điểm 3 tháng trước khi bạn bắt đầu cố gắng thụ thai vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một lượng acid folic dự trữ tốt trước khi thụ thai sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh ở phôi đang phát triển. Acid folic cũng cải thiện sự tái hấp thu sắt.
Ăn nhiều trái cây như: Dứa, chuối, các loại quả mọng thuộc họ berry như dâu tây, việt quất… là những loại quả tốt cho việc thụ thai. Những loại quả này rất giàu vitamin C, acid folic, chất xơ và chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, điều hòa nội tiết tố và tăng khả năng sinh sản.
2. Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng
Một trong những cách tự nhiên và dễ dàng nhất để giúp tăng khả năng thụ thai là ngủ ngon và giảm căng thẳng. Điều này cải thiện sức khỏe tổng thể và tâm trạng, gián tiếp phản ánh chức năng nội tiết tố và khả năng sinh sản.
Giấc ngủ có mối liên hệ với khả năng sinh sản. Phần não điều chỉnh các hormone chịu trách nhiệm cho chu kỳ đánh thức giấc ngủ cũng kích hoạt giải phóng các hormone sinh sản. Điều này đúng với cả nam giới và nữ giới, vì vậy việc thiếu ngủ có thể cản trở các hormone liên quan đến sự rụng trứng ở phụ nữ và sản xuất tinh trùng ở nam giới, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả hai.
Để tăng khả năng sinh sản, tuân thủ giờ đi ngủ đều đặn và thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt, ngủ trong phòng tối, thoải mái, có thể thư giãn bằng cách đọc sách hoặc thiền, tránh sử dụng màn hình như tivi, điện thoại trước khi đi ngủ.
Nhận đủ ánh sáng mặt trời trong ngày để giúp điều chỉnh chu kỳ đánh thức giấc ngủ. Đặt mục tiêu có được ít nhất một giờ mỗi ngày. Cố gắng tránh caffein hoặc rượu trong vòng năm giờ trước khi đi ngủ.
Mặc dù không chắc rằng căng thẳng có thể gây vô sinh, nhưng căng thẳng sẽ cản trở khả năng mang thai của phụ nữ. Phụ nữ có tiền sử trầm cảm có nguy cơ vô sinh cao gấp đôi. Do đó cần kiểm soát mức độ căng thẳng bằng cách thực hành các kỹ thuật thư giãn như thở sâu hoặc thiền.
3. Theo dõi quá trình rụng trứng để quan hệ tình dục đúng thời điểm
Theo dõi ngày rụng trứng để quan hệ nhiều lần trong khoảng thời gian này nhằm tăng cơ hội mang thai.
Tăng cơ hội mang thai bằng cách theo dõi chặt chẽ chu kỳ rụng trứng. Trứng tồn tại trong khoảng 12 đến 14 giờ, trong khi tinh trùng có thể sống bên trong cơ thể phụ nữ tới 5 ngày. Trứng và tinh trùng đều mặt trong tử cung cùng một lúc (hoặc tinh trùng ở đó trước trứng) sẽ làm tăng khả năng thụ thai. Do đó, quan hệ tình dục nhiều hơn thường tạo ra nhiều cơ hội thụ thai hơn.
Các lựa chọn để phát hiện rụng trứng bao gồm theo dõi nhiệt độ cơ thể cơ bản, độ nhạy cảm của vú và chất nhầy cổ tử cung. Hoặc bộ dụng cụ theo dõi rụng trứng tự kiểm tra vào giữa chu kỳ để xác định thời điểm có trứng.
4. Tập thể dục đều đặn và không quá sức
Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tổng thể về thể chất và tinh thần. Tập thể dục nâng cao tâm trạng, cải thiện lưu lượng máu và giúp duy trì chỉ số cơ thể (BMI) khỏe mạnh.
Thừa cân hoặc béo phì cản trở nỗ lực mang thai, điều này là do các tế bào mỡ tạo ra estrogen và quá nhiều hormone này có thể khiến cơ thể phản ứng như thể đang mang thai hoặc đang sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormone. Kết quả là cơ thể không rụng trứng, khiến người phụ nữ không thể mang thai. Do đó, giảm cân làm tăng đáng kể cơ hội thụ thai.
Nếu gặp khó khăn trong việc giảm cân hãy tạo một kế hoạch giảm cân cá nhân phù hợp với lối sống của bạn để giúp đạt được cân nặng lý tưởng để thụ thai.
Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể không sản xuất quá nhiều insulin – tác nhân được cho là gây hại cho sự phát triển của trứng khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc tập thể dục quá sức có thể gửi tín hiệu đến não rằng cơ thể đang bị căng thẳng, từ đó làm chậm quá trình hoạt động của các cơ quan sinh sản. Vì vậy, nên lựa chọn những phương pháp tập thể dục nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả như yoga…
5. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Giống như các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, chúng cũng rất quan trọng để duy trì khả năng sinh sản tối ưu. Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa kinh nguyệt, rụng trứng và nội tiết tố. Những vi chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với khả năng sinh sản của nữ giới bao gồm:
Vitamin B tổng hợp bao gồm B1 (thiamine), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (acid pantothenic), B6 (pyridoxine), B7 (biotin), B9 (folate) và B12 (cobalamin). Vai trò chính của các vi chất dinh dưỡng này là giúp cơ thể tạo ra năng lượng bằng cách hình thành các tế bào hồng cầu. Vitamin B cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ vô sinh do rụng trứng hoặc khả năng sinh sản do rụng trứng không đều hoặc không có. Khi nói đến việc tăng khả năng thụ thai, vitamin B9, hay còn gọi là acid folic, là chất cần thiết nhất vì nó giúp tăng mức progesterone để giữ cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Kẽm là một khoáng chất vi lượng mà cơ thể cần để hoạt động bình thường. Ngoài vai trò trong chức năng miễn dịch và trao đổi chất, kẽm cũng rất cần thiết để duy trì khả năng sinh sản. Vi chất dinh dưỡng này giúp thúc đẩy sự phát triển của tế bào cũng như điều chỉnh các chức năng của hormone để đảm bảo quá trình rụng trứng diễn ra đều đặn.
Selenium là một khoáng chất thiết yếu mang lại tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ đồng thời hỗ trợ sản xuất hormone. Nó cũng rất quan trọng cho sự hình thành các nang trứng, hoặc các túi chất lỏng nhỏ chứa tế bào trứng.
Acid folic là một loại vitamin (B9) rất quan trọng để cải thiện và tăng khả năng sinh sản và cũng rất quan trọng đối với thai kỳ vì nó làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, cải thiện quá trình rụng trứng làm tăng quá trình thụ thai và quan trọng là giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh nếu mang thai xảy ra.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung để giúp bạn chọn loại phù hợp nhất với nhu cầu hiện tại.
6. Tăng ham muốn tình dục
Khi cố gắng thụ thai, quan hệ tình dục thường xuyên là bắt buộc. Các bác sĩ sản khoa khuyên nên giao hợp 3-4 lần mỗi tuần khi cố gắng mang thai. Tuy nhiên, điều này có thể khó khăn đối với những phụ nữ có ham muốn tình dục thấp. Hơn nữa, giao hợp đau khiến không muốn quan hệ. Hãy tìm cách điều trị để cải thiện đời sống tình dục và tăng cơ hội mang thai.
Đi khám để được bác sĩ tư vấn, tìm phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng ham muốn tình dục thấp và chứng khó giao hợp, bao gồm liệu pháp hormone testosterone và estrogen.
7. Sức khỏe của chồng
Theo một nghiên cứu khoa học ở Mỹ, 40-50% trường hợp vô sinh là do nam giới. Điều này có thể là do nhiều yếu tố, từ chất lượng tinh trùng thấp đến mức testosterone thấp. Hơn nữa, trọng lượng dư thừa, căng thẳng và lượng chất dinh dưỡng kém cũng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sinh sản của nam giới. Vì vậy, khi muốn người vợ mang thai, người chồng cũng nên thực hiện các biện pháp để cải thiện sức khỏe và khả năng sinh sản.