
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bố đón tôi về nhà nội. Năm đó tôi học lớp 5, cái tuổi đủ để hiểu chuyện người lớn, nhưng còn quá nhỏ để biết cách diễn đạt nỗi lòng mình. Mẹ khóc rất nhiều khi dắt tay tôi đến cổng nhà bố. Mẹ nói rằng nếu tôi ở với mẹ thì cả mẹ lẫn tôi đều vất vả, tôi ở với bố thì cuộc sống sẽ sung túc hơn. Câu nói ấy như lưỡi dao cứa vào lòng một đứa trẻ, khiến tôi hiểu rằng mình là gánh nặng phải chia ly.
Nhà bố rộng lắm. Căn biệt thự hai tầng với đầy đủ tiện nghi mà trước giờ tôi chỉ thấy trên tivi. Phòng tôi được sơn màu hồng, có cả bộ bàn học mới tinh và tủ quần áo đầy ắp những bộ đồ đắt tiền. Nhưng mỗi tối nằm trên chiếc giường êm ái ấy, tôi lại thèm được ngủ trong căn phòng trọ chật hẹp của mẹ, nơi tôi hay phải nằm nghiêng vì giường nhỏ, nhưng được ngủ trong vòng tay ấm áp của mẹ.
Bà nội đối xử với tôi rất tốt. Mỗi sáng bà đều nấu cho tôi bát phở nóng hổi, cô giáo dạy thêm luôn khen tôi là đứa trẻ ngoan. Nhưng tôi không thể quên được ánh mắt dò xét của bà cô họ khi tôi lỡ làm vỡ chiếc cốc pha lê: "Khổ thân con bé, ở với mẹ nó có được dạy dỗ cái gì đâu nên tay chân cứ lóng nga lóng ngóng". Hay những lần họp mặt gia đình, khi mọi người nhắc đến "con riêng của em trai" bằng giọng điệu mà tôi biết mình mãi là người ngoài cuộc.
Kỳ lạ thay, chính sự tử tế của họ lại khiến tôi đau đớn hơn. Nếu họ đối xử tệ với tôi, có lẽ tôi đã có lý do để oán hận. Nhưng không, họ cho tôi ăn ngon mặc đẹp, lo cho tôi học hành đàng hoàng, chỉ có điều... họ không bao giờ thực sự coi tôi là con cháu trong nhà. Tôi như người thừa hoặc là khách đến chơi nhà, lặng lẽ trong bữa cơm gia đình, nơi mọi người kể chuyện về những kỷ niệm mà tôi không có mặt.

Thật ra mà nói tôi có khổ không thì chắc chắn là không nhưng nếu hỏi tôi có vui vẻ hạnh phúc không thì câu trả lời cũng sẽ là không nốt. Tôi luôn cảm thấy mình không thuộc về cái căn nhà mình đang ở. Tôi luôn chìm đắm trong cảm giác nhớ mẹ quay quắt. Tôi không thể hòa nhập có lẽ 1 phần vì tôi luôn hướng về mẹ, luôn mong muốn được ở với mẹ dù có là sống trong cuộc sống thiếu thốn đi chăng nữa.
Những năm tháng sau này, khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, tôi mới hiểu ra rằng: Có một thứ nghèo đói còn kinh khủng hơn thiếu tiền - đó là cảm giác không thuộc về nơi nào. Tôi mang theo vết thương lòng ấy vào từng mối quan hệ, luôn sợ hãi rằng mình sẽ lại bị bỏ rơi, rằng tình yêu thương người khác dành cho tôi chỉ là sự thương hại.
Đến bây giờ, khi nhìn lại tuổi thơ ấy, tôi không trách bố hay gia đình nội. Họ đã cho tôi những thứ vật chất tốt nhất có thể. Tôi cũng không giận mẹ - người phụ nữ đã hy sinh tình mẫu tử để con được no ấm, bà chẳng hẳn chẳng vui vẻ gì vào cái ngày dắt tay đứa con gái trả về nhà chồng cũ. Tôi chỉ tiếc nuối cho đứa trẻ năm nào không đủ can đảm nói ra rằng: "Điều con cần không phải là nhà cao cửa rộng, mà là được là chính mình trong ngôi nhà ấy".
Giờ đây, khi làm mẹ, tôi luôn ôm con thật chặt mỗi tối và thì thầm: "Dù thế giới có thay đổi thế nào, con sẽ luôn có nhà để về". Đó là điều tôi ước mình được nghe khi còn bé.
Có lẽ những ám ảnh thuở bé khiến tôi trở thành 1 bà mẹ cẩn trọng. Tôi luôn có xu hướng bảo bọc con 1 cách thái quá. Chính chồng tôi cũng nhận thấy ám ảnh tâm lý này của vợ nên anh thường cố gắng giải thích để tôi hiểu rằng cuộc đời của con không hề giống cuộc đời của tôi và tuổi thơ của con chắc chắn sẽ tràn ngập tình yêu thương của cả bố và mẹ.