Sinh ngày 11 tháng 5 năm 1932 tại Lombardy, miền Bắc nước Ý, Valentino Clemente Ludovico Garavani được cả thế giới biết đến với cái tên và nhãn hiệu mang tên mình: Valentino. Lãng mạn và trau chuốt, các sản phẩm của Valentino phản ánh tầm nhìn cá nhân của Garavani về thời trang một cách hoàn hảo. Dù ông đã nghỉ hưu vào năm 2008, đội ngũ Valentino vẫn tiếp tục tôn vinh niềm đam mê bất diệt của nhà thiết kế đối với nét quyến rũ Hollywood cũ, sự nữ tính toàn vẹn và nghề thủ công trong haute couture.
Trong suốt gần 50 năm làm nghề, Garavani đã thiết kế trang phục cho những ngôi sao danh tiếng nhất: Từ biểu tượng phong cách Jackie Kennedy Onassis, đến các nữ diễn viên như Grace Kelly, Gwyneth Paltrow, Sophia Loren...Một năm sau khi nghỉ hưu, Garavani thậm chí còn trở thành ngôi sao trên màn ảnh với sự kiện phát hành bộ phim tài liệu “Valentino: The Last Emperor”. Bộ phim được sản xuất và đạo diễn bởi Matt Tyrnauer và được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim Venice.
Dưới đây là những thiết kế mang tính biểu tượng đã định nghĩa thương hiệu Valentino từ quá khứ cho đến ngày hôm nay.
1. Valentino Red
Năm 1960, Garavani gặp đối tác kinh doanh Giancarlo Giammetti tại Paris. Chỉ hai năm sau, vào năm 1962, ông đã trình diễn bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên được giới phê bình công nhận tại Cung điện Pitti ở Florence. Buổi trình diễn đánh dấu khoảnh khắc đột phá đối với nhà thiết kế khi tất cả trang phục đều dành cho glitterati (Thuật ngữ chỉ một nhóm, đám đông những người có ngoại hình bắt mắt, có xu hướng muốn ăn mặc phong cách. Đây là từ thường được dùng chủ yếu cho phái nữ, chỉ những cô nàng có phong cách ăn mặc thời trang đẳng cấp). Các thiết kế đều rất hào nhoáng và thanh lịch nhưng điều thực sự khiến hội đồng thời trang bị choáng ngợp lại là màu sắc phổ quát của chúng: màu đỏ. Màu đỏ không chỉ để lại ấn tượng khó quên cho buổi trình diễn này mà nó còn tồn tại bất tử qua lăng kính của Garavani với cái tên Valentino Red.
2. Hình bóng cực kỳ nữ tính
Ngay từ khi còn nhỏ, Garavani đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp nữ tính mà ông xem trên màn ảnh. Trong suốt sự nghiệp thiết kế, những hình bóng này đã liên tục khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo trong ông. Đặc biệt, cậu bé Garavani 13 tuổi bị ấn tượng sâu sắc bởi bộ phim “Ziegfeld Girl” đến nỗi quyết định theo đuổi sự nghiệp thiết kế thời trang cho phụ nữ. Ông theo học ở Paris, sau đó đến học việc trong các tiệm của Jean Dessès và Guy Laroche để hoàn thiện các kỹ năng may đo của mình. Cuối năm 1959, ông trở về Ý và mở cửa xưởng may của riêng mình. Thương hiệu của ông chuyên tạo ra các trang phục cực kỳ nữ tính dành cho phụ nữ ở Rome. Chúng thường được tô điểm bằng những chiếc nơ lớn, những bông hoa lộng lẫy, những đường diềm xếp nếp kịch tính, đăng ten tinh tế và những hình thêu phức tạp.
3. Hoa
Hoa trong các bộ sưu tập của Valentino là biểu tượng nồng nàn cho tình yêu và tấm lòng đề cao sự nữ tính của riêng Garavani. Từ các bản in cho đến các chi tiết trang trí xếp lớp và cắt thủ công, bạn có thể tìm thấy hoa xuất hiện mọi nơi trong mọi thiết kế của Valentino (và hoa hồng là loài hoa biểu tượng “ngầm” cho của Maison Valentino). Bảo tàng ảo Valentino Garavani thành lập vào năm 2011 (với mục đích làm kho lưu trữ về cuộc đời và các tác phẩm của nhà thiết kế) đã lưu ý rằng: "Đối với Garavani Valentino, hoa hồng không chỉ là biểu tượng của nghệ thuật thời trang cao cấp mà còn là dấu hiệu của tính chất vượt thời gian, sự phát triển và sức chịu đựng của cái đẹp".
4. Bản in da báo
Valentino đã nâng tầm họa tiết da báo thông qua bộ đồ catsuit làm riêng cho Beyoncé trong video ca nhạc “Black is King” năm 2021. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, nhà thiết kế vốn đã ủng hộ họa tiết động vật từ năm 1950, khi ông tạo ra một chiếc váy jersey bằng len cashmere in họa tiết da báo. Bạn có thể xem tác phẩm này trong kho lưu trữ kỹ thuật số của Valentino.
Xem thêm: Tina Thảo Thi khẳng định đi trên hành trình sự nghiệp một mình, gia đình chỉ là số 0 | Gen Z Sợ Chi.