Trên phố Hàng Gai - con đường lụa là gấm vóc nơi phố cổ tấp nập, cửa hàng Tân Mỹ Design với nét đẹp thanh tao, tranh nhã cùng những câu chuyện về nghề thêu tay truyền thống hơn 50 năm tuổi, đã đang và vẫn luôn thu hút sự quan tâm của mọi người.
Tân Mỹ xuất phát điểm là tiệm thêu tay đầu tiên trong lòng phố cổ Hà Nội, với đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân thêu Bạch Thị Ngải. Đến nay, sau hơn 50 năm, Tân Mỹ đã được lưu truyền đến đời thứ ba. Chị Nguyễn Thùy Linh, cháu ngoại cụ Bạch Thị Ngải, đang là thế hệ thứ 3 tiếp nối gia đình, gìn giữ nghề thêu tay thủ công truyền thống.
Thế hệ thứ 3 của Tân Mỹ: Từng có ước mơ trở thành nhà ngoại giao chứ không phải là một nghệ nhân thêu tay
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề thêu tay thủ công, tôi lại bất giác tò mò về ước mơ thật sự của chị. Ai cũng có một thời thanh xuân với hoài bão và nhiệt huyết dâng trào. Ai cũng muốn tự khẳng định bản thân, không muốn phụ thuộc hay chịu tác động từ bất kỳ yếu tố nào khác, kể cả là nền tảng gia đình.
Chị Thùy Linh chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã có vinh dự cùng mẹ tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia từ các nước đến mua hàng tại Tân Mỹ, ước mơ của tôi là trở thành nhà ngoại giao chứ không phải một Tân Mỹ thế hệ thứ 3 hay một người phát triển kinh doanh như hiện tại".
Thêu là nghề gia truyền từ bà ngoại, truyền lại cho mẹ và giờ là tôi. Từng đường kim mũi chỉ dần ăn sâu vào tâm trí của tôi. Tôi được học thế nào là "chân - thiện - mỹ" ngay từ những mũi thêu đầu tiên của cuộc đời. Nói thật khi xỏ mũi kim đầu tiên, tôi vẫn chưa thể tưởng tượng mình sẽ là thế hệ thứ 3 của Tân Mỹ.
Tôi chọn học kinh doanh để phát triển sự nghiệp của bà ngoại và mẹ truyền lại. Cứ tưởng ước mơ trở thành nhà ngoại giao dần xa tầm với. Nhưng từ khi tiếp quản công việc kinh doanh, tôi cảm thấy mình vẫn đang được sống với đúng ước mơ từ nhỏ. Khi Tân Mỹ Design từng được tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Tổng thống Chi-lê, Đại sứ Tây Ban Nha, Bà Barbara Szymanowska, cựu Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam..., rồi các đoạn khách ngoại quốc ghé thăm là lại một lần tôi được trở về với ước mơ thủa nhỏ.
Phu nhân Ngài Ngoại trưởng Philippines ghé thăm Tân Mỹ Design vào tháng 8/2023.
Chiếc khăn thêu tay gửi nơi tiền chiến, nuôi dưỡng tâm hồn 3 thế hệ suốt hơn 50 năm
Trò chuyện cùng chị Thùy Linh, tôi mới thấu hiểu những tâm tư tình cảm được gửi gắm qua từng đường kim mũi chỉ được truyền lại qua ba thế hệ.
Tiền đề cho những đường kim mũi chỉ của Tâm Mỹ suốt hơn 50 năm qua chính là những chiếc khăn thêu tay gửi gắm nơi tiền chiến. Cụ đã tự tay thêu những chiếc khăn có hình đôi chim hòa bình, đóa hoa sen, tháp Rùa... với những dòng chữ "chung thủy", "đợi chờ" để những cô gái thời đó tặng chồng/bạn trai thay cho lời ước hẹn.
Hành trang trên vai của người lính ra mặt trận, ngoài xứ mệnh với quê hương đất nước còn là những chiếc khăn thêu trong ngực áo. Từng đường kim mũi chỉ trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người lính dũng cảm vượt qua mưa bom đạn lạc. Vì ở một nơi gọi là nhà vẫn có người ngày đêm chờ đợi họ trở về.
"Bước vào thời bình, khi những câu chuyện về chiếc khăn thêu tay gửi nơi tiền chiến kết thúc, bà ngoại và mẹ tôi lại thêu gối, thêu chăn với hình chữ lồng vào nhau, những câu thơ thể hiện sự thuỷ chung son sắc dành cho những các đôi uyên ương trong ngày trọng đại" - chị Thùy Linh tâm sự.
Đó là những câu chuyện từ hơn 50 năm trước mà chị Thùy Linh nghe kể lại từ bà ngoại và mẹ của mình - 2 thế hệ làm lên linh hồn của những mũi thêu tay tính xảo. Và giờ đây chị cũng đang hồi tưởng lại với ánh mắt xúc động chất chứa cả niềm tự hào khôn xiết.
Xưởng thêu hơn 500 thợ lành nghề và bác nghệ nhân thêu vừa dừng mũi kim khi bước vào tuổi 90
Chị Thùy Linh chia sẻ, bác nghệ nhân thêu lớn tuổi nhất tại xưởng vừa mới dừng mũi kim ở tuổi 90. "Ở độ tuổi xưa nay hiếm, khi đôi mắt đã mờ, đôi tay đã chậm, bác vẫn gắn bó với xưởng thêu, bác vẫn tận tình chỉ dạy từng cách đâm kim, cách lấy chỉ cho những thế hệ sau này của xưởng thêu Tân Mỹ.
10 năm trước Đại sứ quán Thái Lan đã đặt Tân Mỹ một bức tranh thêu để tặng Hoàng gia Thái Lan. Và bác nghệ nhân đã tự tay thêu bức tranh ấy trong suốt 1 năm dòng. Giờ đây khi bác đừng dừng tay thêu, những bức tranh của bác vẫn đang được trưng bày tại cửa hàng" - Chị Thùy Linh chia sẻ.
Bà Đỗ Thanh Hương - thế hệ thứ 2, chị Nguyễn Thùy Linh - thế hệ thứ 3 và con gái - thế hệ tương lai của Tân Mỹ.
Nuôi dưỡng nghề thuê tay suốt 3 đời, điều mà tôi ngưỡng mộ, bên cạnh căn biệt thự trắng rộng hơn 1000m2 tọa lạc ngay phố cổ hay những sản phẩm thêu tay thủ công; còn là tình cảm gắn bó như một đại gia đình của những người thợ, người nghệ nhân thêu tay tại xưởng thêu Tân Mỹ.
Hơn 50 năm qua xưởng thêu đã nuôi dưỡng đam mê của rất nhiều thế hệ. Tôi được mẹ dạy thêu khi 7 tuổi và giờ đây con gái tôi cũng đang bắt đầu với những mũi thêu đầu tiên cho thế hệ thứ 4 của Tân Mỹ.
Xưởng thêu ngày ngày đều chứng kiến quá trình học hỏi và trưởng thành của các thế hệ "măng non" như con gái tôi, độ chín muồi của những nghệ nhân thêu tay vài chục năm kinh nghiệm và cả bác nghệ nhân vừa dừng mũi kim ở tuổi "thất thập cổ lai hy", chị Thùy Linh chia sẻ.
Nghệ nhân thêu tay không chỉ đơn thuần là những người cầm kim giỏi
Không giống như những sản phẩm hoa văn thêu trên trang phục, để hoàn thành một bức tranh thêu, đối với một người thợ thêu, đôi bàn tay khéo léo là chưa đủ. Họ còn phải học bài bản về hội họa, đặc biệt là vẽ tranh truyền thần. Trước khi bắt tay vào mũi kim đầu tiên, người thợ thêu sẽ tự tay chuyển mẫu vẽ từ giấy sang vải.
Công đoạn này hết sức quan trọng, cần được thực hiện một cách tỉ mỉ và chính xác bởi ở các khâu thêu tranh sau đó, người nghệ nhân sẽ thêu từng đường kim mũi chỉ dựa vào những hình ảnh được phác thảo trên vải thêu. Do vậy, bức tranh có được đánh giá cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chuyển thể hình ảnh từ tranh vẽ lên vải thêu này.
Chị Thùy Linh tâm sự: "Ngay từ bé, tôi đã được chứng kiến các bác nghệ nhân chuyển tranh qua từng đường nét, rồi tỉ mẩn chọn chỉ thêu. Nếu như họa sĩ có thể pha trộn các gam màu để tạo nên một sắc độ mới, thì chỉ thêu chỉ có những màu nhất định, để phối màu thêu tranh buộc lòng bạn phải sắp xếp được các sợi chỉ thêu lại với nhau. Vậy nên để hoàn thành một bức tranh thêu phải mất đến vài tháng, thậm chí cả năm trời".
Mỗi món đồ thêu tay thủ công là một sản phẩm độc bản
Không chỉ đơn thuần là những họa tiết thêu, từng đường kim mũi chỉ của sản phẩm thêu tay để chứa đựng nét văn hóa cùng những tâm tư tình cảm mà các nghệ nhân gửi gắm. Vậy nên mỗi sản phẩm thêu tay luôn có tính độc bản, không thể đánh đồng cùng những món đồ thêu công nghiệp được bày bán ngoài chợ.
Chị Thùy Linh tâm sự: "Ngay từ khi còn bé, bà ngoại tôi đã nói từng đường kim mũi chỉ của Tâm Mỹ đều gửi gắm tâm tư tình cảm và nếu ai đủ duyên chắc chắn sẽ cảm nhận được".
Cũng chính bởi những món đồ thêu tay luôn chứa đựng tâm tư tình cảm nên từng đường kim mũi chỉ cũng cần được bảo quản cẩn thận. Mỗi khi khoác lên người những bộ váy áo thêu tay chị Thùy Linh lại tự nhủ với bản thân cần phải giữ gìn từng chi tiết trên trang phục. Mỗi cử chỉ, lời ăn tiếng nói đều nhẹ nhàng, từ tốn hơn; và sau dần sự duyên dáng, nữ tính ấy trở thành phong cách sống của các thế hệ nhà Tân Mỹ.
Để bảo quản những món đồ thêu tay, đặc biệt là giữ gìn màu sắc của chỉ thêu, việc đầu tiên cần lưu ý đó là tránh tuyệt đối giặt đồ thêu tay bằng máy giặt cũng như dùng bột giặt chứa nhiều sút. "Với trang phục thêu tay, bạn nên giặt khô là hơi, hoặc giặt bằng tay với sữa tắm trẻ em" - chị Thùy Linh chia sẻ.
Sửa tắm trẻ em có độ lành tính tuyệt đối nên có thể dùng để làm sạch trang phục thêu tay. Bạn có thể vò nhẹ nhàng với nước ấm và sữa tắm, bộ váy áo sẽ được làm sạch và chi tiết thêu vẫn giữ được màu theo năm tháng.
Nguồn: NVCC