Lễ hội Xuân núi Bà Đen: Từ ngày Mùng 4 đến 16 tháng Giêng

photo-1-16750674781851854279523.jpg

Hội Xuân núi Bà Đen là lễ hội lớn nhất và được người dân Tây Ninh đón chờ nhất trong năm. Đây là thời điểm để hàng trăm ngàn người dân và du khách thập phương đến với núi Bà Đen, và tỏ lòng tôn kính, ngưỡng vọng đối với Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại chùa Bà trên lưng chừng núi.

photo-1-1675067482001682977541.jpg

Với người dân miền Nam, đặc biệt là người dân Tây Ninh, về với núi Bà Đen chính là về với mảnh đất linh thiêng. Niềm tin với Linh Sơn Thánh Mẫu đã ăn sâu bám rễ qua nhiều thế hệ, từ già đến trẻ. Chị Hải Hoà (Tây Ninh) chia sẻ: "Chùa Bà là nơi cầu được ước thấy. Kể cả nếu ước nguyện chưa thoả, thì Bà cũng mang lại cho mình sức mạnh, niềm tin. Đó là lý do vì sao gia đình tôi năm nào cũng thu xếp cùng nhau trải chiếu dưới chân núi ngủ một đêm để cảm nhận luồng sinh khí và mong được Bà phù hộ độ trì".

photo-2-16750674820771500127946.jpg

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (TPHCM) chia sẻ: "Linh Sơn Thánh Mẫu thực sự rất linh thiêng. Cách đây 17 năm tôi đã đến đây cầu tự, sau 3 năm kiên nhẫn miệt mài bái Bà thì vợ chồng tôi đã sinh được một cháu gái. Tôi rất tôn kính Bà, và hầu như năm nào cũng về đây dịp đầu xuân để bái Bà và cầu mong sức khoẻ, tài lộc cho năm mới".

photo-3-16750674821601872534088.jpg

Lễ hội Xuân núi Bà năm 2023 còn đặc trưng với các show diễn nghệ thuật độc đáo kéo dài suốt tháng Giêng. Tại đây, khách thập phương sẽ được mục sở thị những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của người Khmer như múa Khmer hay múa trống Chhay dăm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

photo-4-16750674822271084664804.jpg

Trong 5 ngày Tết, 456 ngàn lượt khách đã đến chùa Bà và quần thể tâm linh trên đỉnh núi. Tại đây, du khách không chỉ bái Bà và cầu mong một năm mới nhiều tài lộc, bình an, mà còn được hoà vào không khí sôi động của Lễ hội Xuân với thiên đường hoa ngập tràn trên đỉnh núi.

photo-5-1675067482248308103841.jpg

Vào ngày Vía thần Tài (Mùng 10 Tháng Giêng), chùa Bà cũng là điểm đến được rất nhiều người lựa chọn đến để cầu may mắn và tài lộc đầu năm. Anh Phạm Văn Nam (Bình Dương) chia sẻ: "Nói về cầu tài cầu lộc thì ở người miền Nam rất tín chùa Bà. Tôi làm kinh doanh nên dù có bận mấy thì cũng thu xếp đến núi Bà vào ngày vía Thần Tài, vừa để cầu lộc, vừa cùng gia đình xem lễ hội Xuân rất đặc sắc tại đây".

Lễ hội Vía Đức Chí Tôn – từ Mùng 8 đến 16 tháng Giêng

photo-6-16750674822971888002701.jpg

Được coi là mảnh đất khởi sinh ra đạo Cao Đài, Tây Ninh từ lâu đã trở thành thánh địa của hàng vạn tín đồ Cao Đài trên cả nước. Vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Đại lễ vía Đức Chí Tôn – ngày lễ quan trọng nhất với tín ngưỡng Cao Đài sẽ được bắt đầu tổ chức tại nội ô Tòa thánh Tây Ninh, thu hút hàng ngàn người tham gia.

photo-7-16750674827251513976712.jpg

Mùng 9 Tháng Giêng là chính hội của lễ Vía Đức Chí Tôn. Theo quan niệm của tín ngưỡng Cao Đài, chọn ngày mùng 9 tháng 1 làm Lễ là để bày tỏ quan niệm về vũ trụ: cái khởi đầu và cái sau cùng hình thành càn khôn vũ trụ và vạn vật (Số 1 là số khởi đầu, là số dương, nên chọn tháng là tháng 1. Số 9 là số thuần dương nên chọn ngày là ngày 9).

photo-8-16750674828111580041811.jpg

Đối với người theo đạo Cao Đài, Đại lễ vía Đức Chí Tôn là dịp để ôn lại truyền thống, nhắc nhở các tín đồ đạo Cao Đài về công ơn của đấng sinh thành và cùng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Đến với Tây Ninh dịp Lễ này, du khách không chỉ được mục sở thị phần lễ trang nghiêm, phần hội rực rỡ sắc màu với những màn thi đấu võ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, điệu múa dân tộc… độc đáo, mà còn được chiêm ngưỡng Toà thánh Cao Đài - một công trình kiến trúc tôn giáo nguy nga, độc đáo và huyền bí bậc nhất ở Nam Bộ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022