Trong bản cập nhật của báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới", IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay, thay vì con số 3% đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 từ 5,8% xuống 5,4% do tình trạng thất nghiệp tăng và nhiều doanh nghiệp đóng cửa.
Đối với một số nước phát triển, IMF dự báo kinh tế Mỹ giảm 8% trong năm nay trước khi phục hồi 4,5% vào năm tới, còn kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm 10,2% trong năm 2020 và tăng khoảng 6% vào năm tới. Theo dự báo sửa đổi, GDP của Brazil, Mexico và Nam Phi lần lượt giảm 9,1%, 10,5% và 8% trong năm nay. Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh, dự kiến tăng trưởng 1% trong nay và 8,2% vào năm sau.
Các nhân viên trưng bày hoa tại quận Manhattan, TP New York - Mỹ hôm 24-6 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, IMF lý giải việc hạ thấp dự báo kinh tế toàn cầu là do các biện pháp giãn cách xã hội có khả năng tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm 2020, khiến năng suất và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Tại các quốc gia vẫn đang chật vật vì tỉ lệ lây nhiễm cao, IMF cho rằng tình trạng phong tỏa kéo dài sẽ làm suy giảm hoạt động kinh tế hơn nữa.
Dù vậy, theo giới phân tích, các quốc gia có thể sẽ không đóng cửa kinh tế lần nữa khi làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ông Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), cho biết khó có khả năng lặp lại tình trạng phong tỏa như hồi tháng 3, thời điểm dịch bùng phát tại Mỹ và châu Âu.
Đồng quan điểm, ông Hartmut Issel, chuyên gia cấp cao tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), nhận định với đài CNBC: "Đóng cửa toàn bộ đất nước có thể tổn thất đến 3% GDP mỗi tháng. Ngay cả những quốc gia giàu nhất hành tinh cũng không thể phong tỏa thêm 2-3 tháng nữa". Theo số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), hiện có hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, trong đó Mỹ, Brazil và Nga là 3 nước ghi nhận số ca mắc cao nhất.