Từ một thương hiệu thời trang nhỏ ra mắt vào năm 2017, Dirty Coins đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành local brand streetwear nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Với những thiết kế đường phố hiện đại, sáng tạo, được giao thoa giữa nét đặc trưng của văn hóa Á - Âu, Dirty Coins đã nhanh chóng chiếm trọn cảm tình và trở thành thương hiệu yêu thích của đông đảo giới trẻ. Sự thành công của local brand này được thể hiện rõ nhất qua con số hơn 1 triệu người theo dõi trên MXH cùng hệ thống 10 cửa hàng phủ sóng tại nhiều thành phố lớn.

Đáng chú ý, Khoa Sen - founder của Dirty Coins cũng khiến nhiều người ấn tượng với độ chịu chơi cùng tư duy làm thương hiệu hiện đại, không ngại khó khăn, thử thách. Dù đã từng vấp ngã với The Yars Shop - tiền thân của Dirty Coins hay những trăn trở với việc làm branding nhưng chàng founder sinh năm 1996 vẫn không bao giờ từ bỏ, cuối cùng đổi lại một "cơ ngơi" đồ sộ như ngày hôm nay.

photo-8-17045356752501118709264.jpg

Khoa Sen - Founder tài năng của Diry Coins

Những khó khăn, bỡ ngỡ cũng không ngăn được tinh thần tuổi trẻ để tạo dựng một Dirty Coins vững mạnh

Năm nay có thể nhận xét được khá là rực rỡ với Khoa cũng như Dirty Coins, bạn có bao giờ đưa ra những quyết định mang tính mạo hiểm?

- Đối với mình, khoảng thời gian sau đại dịch năm 2021 và 2022 là lúc mạo hiểm nhất. Lúc đó, Dirty Coins quyết định đổi logo khiến doanh thu tụt đáng kể. Cộng với sự ảnh hưởng doanh thu vì đại dịch... và sự thiếu kiến thức của mình, thương hiệu đã chịu khá nhiều tổn thất. Đợt đổi logo đó tốn rất nhiều tiền, xong chưa tới 1 tháng mình đã phải tốn tiếp một đợt tiền nữa, thành ra những sản phẩm trong giai đoạn đó hầu như fail hết. Có điều, team mình không chỉ dám đứng lên nhận sai mà còn thể hiện ở hành động để khắc phục cái sai đó, hạn chế nói mà thay vào đó là làm. Mình cũng không trách cứ đồng đội nhiều mà sẽ tập trung tìm cái giải pháp.

Vậy trong quá trình xây dựng thương hiệu, bạn có gặp nhiều khó khăn?

- Có một giai đoạn mình bị tấn công toàn bộ kênh social, mất từ tài khoản cá nhân đến group của shop (bao gồm 2 group hơn 300.000 người hâm mộ). Sau đó phải 6 - 8 tháng sau mới có thể sử dụng lại. Đợt đó khá hoảng sợ và mệt vì sợ mất đi lượng lớn khách hàng ruột nhưng mà may sao khi xây dựng lại vẫn được đông đảo bạn trẻ ủng hộ.

Ngoài ra, khoảng thời gian để cho team tự sáng tạo sản phẩm cũng là quyết định sai lầm. Vì khi để các bạn tự sáng tạo, họ sẽ gửi gắm câu chuyện cá nhân vào. Ví dụ có 3 nhà thiết kế, sản phẩm sẽ mang 3 câu chuyện khác nhau và đều không liên quan gì đến thương hiệu Dirty Coins. Sau lần đó, mình mới hướng mọi người theo ý của mình rồi team dựa trên ý tưởng ấy để sáng tạo, phát triển thì brand mới dần có sự nhất quán và tạo được ấn tượng.

Lời khen nào tốt nhất bạn từng dành cho team? Dưới cương vị là một người trẻ, bạn thường lãnh đạo và gắn kết team của mình như nào?

- Mình thường thích làm hơn nói nhưng mà trong khoảng 2 năm nay thì cũng có khen mọi người nhiều hơn, nhưng mà thường thì sẽ là kiểu "good good", "quá tốt rồi". Ngoài ra, mình thường dành tặng team mình những món quà vật chất, hoặc thưởng tiền luôn cho nhanh và thiết thực. Vì Dirty Coins không có Co-founder nên mình sẽ là người duyệt và quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ai đặc biệt giỏi mảng gì thì mình cũng thoải mái cho họ quyết định. Thấy thiếu cái gì, mọi người có thể tự giải quyết, mình chỉ đưa ra lời góp ý thôi.

Lý do gì khiến bạn thường xuyên hỗ trợ và chịu chi với những dự án hoành tráng cùng các rapper?

photo-7-17045356743171944627352.jpg

- Mình nghe nhạc rap trước khi làm ra tiền nên thường nghĩ phải làm gì đó cho cộng đồng underground này. Từ hồi mới thành lập brand mình đã support mấy anh em rapper, dù là tiền bạc hay quần áo, phụ kiện. Càng về sau, mình mới nghĩ tại sao không truyền tải các sản phẩm của Dirty Coins qua âm nhạc, qua rap, và thế là những màn collab dần ra đời. Mỗi lần ra mắt BST hợp tác với các rapper, thương hiệu của mình đều có thêm lượng fan mới. Dirty Coins khác với các thương hiệu khác ở vai trò đồng hành. Chúng mình không chỉ dừng lại như một nhà tài trợ mà muốn trở thành một sợi dây gắn kết thời trang với cộng đồng Hiphop.

Tại sao mỗi BST của Dirty Coins thường chỉ có số lượng thiết kế nhất định mà không đa dạng nhiều mẫu mã để người dùng có thể thoải mái lựa chọn?

- Mọi người cũng hỏi sao BST mới của Dirty Coins ít đồ thế nhưng mình quan niệm thời trang đường phố không phải là bán ra những thứ đáp ứng được cho tất cả mọi người. Nếu như vậy sẽ khó để quản lý kế hoạch một cách trơn tru. Mình cũng không muốn brand của mình sẽ như cái mall thu nhỏ, tràn lan mẫu mã nhưng chất lượng thì không đi đôi.

So với thời điểm mới làm shop thì đồ bây giờ của Dirty Coins đã tăng trưởng đáng kể về số lượng. Hồi mới làm shop số sản phẩm của mình chắc chỉ khoảng 6 mẫu nhưng lúc đó lượng bán ra vẫn kinh khủng, người ta cũng chỉ vô mua những sản phẩm đó. Còn Dirty Coins hiện tại cũng có những BST hoành tráng, như gần đây BST collab với anh B Ray có đến 33 sản phẩm chứ không phải ít. Nhưng về quan điểm cá nhân, mình vẫn thấy ra nhiều sản phẩm như vậy khá cực cho team, muốn marketing cũng khó vì không tập trung được vào một sản phẩm nhất định. Mình nghĩ chỉ cần ít nhưng chất lượng, khách hàng thích là được.

photo-6-17045356728941670457172.jpgphoto-5-17045356709801236244578.jpg

Bí quyết nào giúp Dirty Coins luôn đứng vững trên thị trường dù ngày càng có nhiều thương hiệu streetwear mới?

- Nếu chỉ đơn giản thiết kế, cho ra mắt sản phẩm thì với mình không có khó. Cái khó nhất của một thương hiệu là phải làm sao để người mặc có thể ứng dụng được nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Mình thích mỗi hình ảnh, video đưa ra khách hàng đều có thể cảm nhận được. Mình nghĩ mình định vị được tệp khách hàng và nhu cầu của họ nên Dirty Coins cứ thế mà phát triển rồi được nhiều người yêu thích.

Dico The Hood - tổ hợp đại diện cho phong cách sống "I Think I Do"

Bên cạnh việc tập trung cho Dirty Coins, Khoa Sen với tinh thần trẻ cùng tư duy, quan điểm tiến bộ học tập từ Nike, còn khiến cộng đồng mạng phải trầm trồ khi cho ra mắt tổ hợp Dico The Hood, đem đến nhiều trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho giới trẻ.

Điều gì khiến bạn quyết định mở ra một tổ hợp như Dico The Hood dù đã sở hữu rất nhiều cửa hàng?

- Thật ra Dico The Hood chính là điều mình mong muốn ngay từ khi mới thành lập Dirty Coins. Mình muốn tổ hợp này sẽ như một phong cách sống, nơi mà mình và bạn bè có thể gặp gỡ, thoải mái chia sẻ nhau. Nó sẽ hơi khác với những mô hình tập trung nhiều về buôn bán, thay vào đó, mình mong muốn Dico sẽ tập trung hơn vào giá trị cộng đồng. Lúc đầu mình và team cũng rất lo lắng nhưng được cái mọi người đều không sợ sai, miễn sao không cảm thấy hối tiếc nên quyết tâm triển khai luôn. Từ lúc làm hood tới giờ chỉ vọn vẹn tầm 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 là đi vào hoạt động, chúng mình luôn nghiêm túc, chỉn chu và hết mình.

photo-4-17045356665061780993077.jpgphoto-3-1704535663474367248855.jpg

Tại sao bạn lại quyết định chọn cái tên Dico?

- Lúc thành lập Dirty Coins, mình mới chỉ 21 tuổi và đơn giản lựa chọn cái tên này vì thấy rất ngầu. Sau đó, những lần lên truyền hình, mình thấy tên brand do dài quá dẫn đến việc bị che mất nên quyết định rút ngắn thành chữ Dico.

Đang làm thời trang giờ đổi sang mảng vận hành, bạn có phải bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu chiến lược?

- Thực tế thì team của mình khá linh động, mọi người luôn có tinh thần say yes, tin tưởng những idea của mình. Còn việc bỏ công sức là tất nhiên, vì mình làm với tinh thần nghiêm túc nên nhiều khi làm ngày làm đêm cũng không thấy mệt. Mình luôn muốn đem đến sự hoàn hảo nhất đến với khách hàng nên cái nào không đúng ý sẽ cho làm lại hết. Team mình cũng luôn quan điểm đặt bản thân vào địa vị vào khách hàng để xác định mình muốn và nên làm gì để tạo ra thành quả tốt.

Nhất là sau đại dịch và thời điểm kinh tế phát triển chậm như hiện nay, việc lập ra cái gì đó xong "xé nháp" làm lại không phải là điều hiếm. Do đó, mình muốn team luôn giữ được cái tinh thần luôn sẵn sàng, không sợ sai, không bảo thủ. Dù có những plan mình làm rất kỹ nhưng khi chạy khoảng một khoảng thời gian ngắn, thấy không ok cũng bỏ đi làm lại ngay.

photo-2-1704535662173240488023.jpg

Cơ duyên nào khiến bạn quyết định chọn lựa slogan "I Think I Do"?

- Nếu theo dõi Instagram cá nhân có thể nhận ra mình là một big fan của Nike. Mình học được cách làm thương hiệu của Nike rất nhiều dù không tập trung vào mảng đồ thể thao. Mình nhận thấy khẩu hiệu "Just Do It" của Nike rất mạnh nên cảm thấy Dirty Coins cũng cần 1 slogan gì đó mang tính biểu tượng. Trong 1 lần đi Nha Trang chụp bộ lookbook mới thì vô tình mình thấy câu "I Think I Do" khá giống và phù hợp với tinh thần mình mong muốn nên quyết định lựa chọn đây làm slogan.

Giống như "Just Do It" của Nike, mình muốn "I Think I Do" sẽ gắn liền với Dirty Coins. Như kiểu khi đi ngoài đường, chỉ cần nhìn thấy logo Swoosh, không cần chữ Nike cũng đủ để biết đó là store của họ. Hiện tại Dirty Coins cũng đang dần định hình được thương hiệu khi mọi người chỉ cần thấy biểu tượng chữ Y, hay bàn tay xương đều biết đó là Dirty Coins. Mình mong muốn sloggan "I Think I Do" sau này cũng sẽ tạo dấu ấn như vậy và hy vọng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám sai, dám sửa sẽ phần nào truyền lửa tới tất cả mọi người. Chúng mình còn trẻ, phải dứt khoát và biết tiến lên chứ!

Cảm ơn Khoa về những chia sẻ!

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.

Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 18/12/2023. Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2023, qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2023.

Thời gian gửi đề cử: ngày 18/12/2023 - 23:59 ngày 07/01/2024.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022