ttxvn_nguyen_duc_canh.jpgQuang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 1/2, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam."

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023), kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh ông Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2023), nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; một trong những thành viên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng.

Tham dự tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Tỉnh ủy Thái Bình, quê hương ông Nguyễn Đức Cảnh.

[Khởi công xây công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh]

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ ông Nguyễn Đức Cảnh sinh ra tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Sớm giác ngộ cách mạng, ông đã tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925-1926, khi còn là học sinh trường Thành Chung, Nam Định.

Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đầu năm 1928, ông được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng.

Tháng 3/1929, ông tham dự Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.

Tháng 6/1929, ông tham dự Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời.

Tháng 7/1929, ông chủ trì Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và được bầu là Hội trưởng lâm thời.

Tháng 8/1929, ông tổ chức thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng, do ông là Bí thư.

Mùa Xuân năm 1930, ông tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 5/1930, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Cuối tháng 10/1930, ông được cử vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy. Tháng 4/1931, ông bị bắt và ngày 31/7/1932 anh dũng hy sinh.

"Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và để lại những dấu ấn sâu đậm đối với sự phát triển của phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam," Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi nhấn mạnh và khẳng định: "Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo."

Hơn 20 tham luận gửi tới và trình bày tại tọa đàm đã góp phần làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trên các phương diện: Người cán bộ lãnh đạo có cống hiến to lớn trong tiến trình vận động thành lập Đảng; Nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam; Người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng trong Cao trào cách mạng 1930-1931; Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng./.

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022