Bộ trang phục của phụ nữ Mông trắng gồm áo cánh ngắn, quần chân què ống dài, may bằng vải đen và có 2 dải xiêm hay gọi là tạp dề là 2 tấm vải màu đen, buông từ thắt lưng xuống, người Mông gọi là “đại sế”, che cả đằng trước và đằng sau. Trong bộ trang phục của người phụ nữ Mông trắng thì không thể thiếu cái mũ đội đầu, bà con thường mua khăn piêu về cuốn thành mũ và đính chỉ len màu và hạt cườm lên.

chi_em_phu_nu_mong_dang_khau_trang_phuc.jpg
Chị em phụ nữ Mông khâu trang phục.

Nhưng điểm nhấn nổi bật nhất của bộ trang phục phụ nữ Mông trắng là những chiếc dây lưng, với họa tiết rực rỡ. Để có được những chiếc dây lưng đẹp nhất thì cần có đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông trắng, thêu mất rất nhiều thời gian. Chị em lấy 2 mảnh vải, dùng một mảnh màu đặt phía dưới làm nền, mảnh vải trắng đè lên trên và lấy kéo nhỏ, nhọn, đục, cắt tỉa đường nét xoáy ốc và lấy kim chỉ gấp từng tí một để khâu lại 2 lượt; mỗi một ô phải cắt khâu làm 4 xoáy ốc hoặc 6 xoáy ốc; một xoáy ốc có từ 3 đến 5 đường nét vòng tròn; mỗi một dây lưng buộc phải khâu 10 mảnh vải ghép mới đủ độ dài cuốn vào lưng.

“Làm dây lưng rất cầu kỳ, càng cầu kỳ thì dây lưng càng đẹp, nếu như thời gian rảnh thì mất khoảng 2 tháng thêu xong một cái; nếu không rảnh, chỉ tranh thủ thì mất nửa năm, thậm chí cả năm mới xong một cái dây lưng. NDây lưng chỉ thêu hồi còn trẻ, khi mà tuổi khoảng 40 trở lên thì mắt nhìn kém đi, khâu sẽ không đẹp nữa”- chị Vừ Thị Chía, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu cho biết.

cat_tia_va_khau_duong_net_xoay_oc.png
Cắt tỉa và khâu đường nét xoáy ốc.

Áo của chị em phụ nữ Mông trắng thường hở cổ khá rộng và được cài lại bằng một nút duy nhất thấp ở tầm bụng, tạo thành hình chữ V, viền cổ áo thì được thêu hoặc ghép vải khác màu nên người phụ nữ Mông thường mặc thêm áo trắng bên trong. Đồng thời, đằng sau vai gáy còn có một cái yếm cũng được thêu rất cầu kỳ, với những hoa văn có màu sắc rực rỡ. Yếm chỉ rộng khoảng 15 cm và dài gần 20 cm, nhưng phải cắt vải màu thêu uốn lượn, tạo kiểu nên cũng mất 2 đến 3 ngày thêu mới xong.

Chiếc áo của người phụ nữ Mông trắng thường được tạo họa tiết ở phần ống tay áo bằng cách ghép vải. Chủ yếu là dùng vải đen và vải màu xanh, trung bình mỗi một ống tay áo sẽ ghép từ 25 mảnh màu xanh, vải hoa lên trên mảnh màu đen.

“May một chiếc áo Mông trắng truyền thống thì mất nhiều thời gian, nhiều nhất vào 2 cánh tay áo. Nếu tập trung thì ghép vải được 2 đôi tay áo, sau đó mới ghép nối tay áo vào thân và lót lớp bên trong” - chị Vì Thị Lia, bản Nong Mòn, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ về việc may áo dân tộc cho chị em.

Trong bộ trang phục truyền thống, chị em phụ nữ Mông trắng cũng mặc váy lanh màu trắng. Để thuận tiện cho lao động, sản xuất, chị em nhiều vùng ở Sơn La đã chuyển sang mặc quần. Tuy nhiên, chiếc váy trắng nguyên bản làm chất vải lanh vẫn được chị em cất giữ trong nhà để mặc khi về với tổ tiên.

yem_cua_phu_nu_mong_co_vai_mau_theu_uon_luon.jpg.png
Yếm của chị em phụ nữ Mông có giải màu thêu uốn lượn.

Thời xa xưa, phụ nữ Mông trắng thường dùng vải lanh tự tay dệt được để làm  những bộ váy áo cho mình và chồng con. Nhưng hiện nay đã có vải công nghiệp, chị em đã không mất nhiều thời gian dệt vải. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bộ trang phục áo váy của chị em với các mặt hàng vải màu cắt may sẵn rất đẹp bày bán, nhưng chất lượng, độ bền không thể bằng cách may truyền thống. Vì thế, nhiều chị em vẫn muốn tự tay lựa chọn và may cho mình bộ trang phục ưng ý.

“Chúng tôi ai cũng đều may cho mình vài bộ trang phục truyền thống để diện khi có dịp đi hội, lễ Tết. Đồng thời, áo truyền thống luôn được nhóm Mông Trắng  may 2 chiếc để dành lúc tuổi già” - chị Vì Thị Lia cho biết thêm.

Trong những ngày xuân, vẻ đẹp rực rỡ từ những bộ trang phục của chị em phụ nữ Mông trắng và đồng bào các dân tộc vùng cao làm bức tranh xuân Tây Bắc thêm sắc màu, tươi mới./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022