Hơn 10 năm trước, local brand (thương hiệu nội địa) - vẫn còn khá xa lạ với giới trẻ Việt. Nhưng hiện tại, việc nhãn hàng thời trang trong nước mọc lên như “nấm” lại khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc chọn món đồ yêu thích.
Cái khó ở đây không chỉ vì phân vân về mẫu mã hay giá cả, nó còn xuất phát từ vấn đề lo sợ mua phải hàng nhái.
"Thật hay giả giờ không biết phải dựa vào đâu để phân biệt", Vân Anh (25 tuổi, TP.HCM) cho biết khi đang cầm trên tay một chiếc áo từ local brand mới được ship tới nhà. Tuy nhiên, cô phát hiện chất liệu không đẹp như lời quảng cáo.
Những thiết kế mang danh nghĩa "họ hàng xa"
Không chỉ Vân Anh, nhiều bạn trẻ khác cũng gặp tình trạng tương tự khi lỡ tin vào những cá nhân bán hàng nhái trên TikTok. Họ lấy hàng thật để quảng cáo và chuyển về sản phẩm nhái cho khách hàng.
Một số người còn cố lấy lòng tin của khách khi nói bản thân nhận được voucher đặc biệt từ hãng nên đồ có giá “thấp đến không ngờ”.
Chính đại diện của dx.resell - nhà phân phối local brand tại TP.HCM - cũng xác nhận: “Khó khăn nhất để phân biệt là người bán hàng giả lấy ảnh áo thật, chụp rồi đăng bán. Tình trạng đạo nhái hiện rất đáng báo động, nó làm mất giá trị sản phẩm”.
Chiếc áo phông của Levents bị nhái lại (trái) được tính theo size thông dụng S,M,L. Trong khi thiết kế thật từ thương hiệu (phải) có size theo số và sản phẩm in hoa tulip nổi tiếng của hãng mang màu kem, không phải trắng. Ảnh: Dĩ An.
Theo người đại diện này, Sadboiz, Levents, Dirty Coins là những local brand chuyên dòng streetwear đang bị đạo nhái nhiều nhất ở Việt Nam. Mức giá các bên làm nhái đưa ra quá thấp khiến phía seller (người bán) bị ảnh hưởng không ít do khách hàng phân vân về giá cả.
Một chiếc áo mang tính độc quyền, được ví như "con một" của hãng bỗng trở nên đại trà, có nhiều "anh em họ hàng". Điều này cũng khiến nhiều người phân vân: "Liệu mình có nên mua chiếc áo được mặc tràn lan, thật giả lẫn lộn?".
Minh chứng rõ nhất là những chiếc áo phông của nhà Levents đang nổi thời gian gần đây. Local brand này được yêu thích bởi giới trẻ vì ra mắt các mẫu áo đơn giản, hình in độc quyền, đường chỉ đẹp.
Hãng bán các mẫu áo phông, hoodie dao động 370.000-700.000 đồng nhưng những bên nhái lại và rao với giá thậm chí chưa bằng 1/3.
Thương hiệu này tính size từ 1-4. Nhưng các bên nhái lại quảng cáo với size S, M, L thông thường. Nếu không tìm hiểu kỹ, người mua không thể biết được điều này. Tất nhiên, chất liệu, mẫu in hay cả bao bì của hàng nhái cũng đi đôi với số tiền.
Không ít người phải vứt chúng trong tủ và chưa mặc đến lần nào. Đó chỉ là chiếc áo phông đơn giản, trong khi những thiết kế lên đến hàng triệu đồng lại càng khiến các thượng đế đau đầu hơn.
Vấn đề đạo nhái trong nước trở nên nghiêm trọng hơn nữa khi chính local brand bị tố chứ không phải là nạn nhân. Bên cạnh đó, các local brand Việt ngày nay có nhiều thiết kế giống nhau cũng gây hoang mang cho người mua.
Chiếc váy xanh của dear josé (phải) bị nhà thiết kế quốc tế tố đạo nhái. Hiện tại, hình ảnh chiếc váy này không còn xuất hiện trên trang cá nhân thương hiệu. Ảnh: Christina Blüm, dear josé.
Hồi tháng 5, dear josé bị một nhà thiết kế quốc tế tố nhái lại chiếc váy của mình. Hai mẫu váy có sự tương đồng lớn, từ kiểu cạp trễ đến cách layer xếp ly. Điểm khác biệt duy nhất là màu sắc.
Đại diện thương hiệu Việt bác bỏ việc mình đạo nhái và cho rằng anh chỉ tham khảo rồi nâng cấp thiết kế. Anh còn nói đó là điều bình thường ở châu Á và thương hiệu mình cũng từng bị “ăn cắp” ý tưởng.
Từ đó, ranh giới mong manh giữa “đạo nhái” và “truyền cảm hứng” tiếp tục được mang ra bàn luận.
Đoạn kết buồn cho những thương hiệu chuyên đạo nhái
Quay lại với định nghĩa “local brand”, đây là danh từ dùng để chỉ các thương hiệu sản xuất sản phẩm nội địa của một quốc gia nhất định. Mọi người thường nhầm lẫn nó với các cửa hàng kinh doanh quần áo theo hình thức nhập sản phẩm từ các nước trên thế giới.
Thực tế, các cửa hàng thuộc hệ thống local brand phải thực hiện tất cả công đoạn, từ lên ý tưởng, phác thảo, thiết kế, sản xuất đến phân phối.
Chính những công đoạn này mới càng cho thấy để tạo nên một local brand đúng nghĩa là việc không hề dễ dàng. Nếu không phải dân chuyên trong ngành, việc đạo nhái lại dễ xảy ra hơn.
Với kinh nghiệm kinh doanh thời trang 8 năm, nhà thiết kế Thảo Nguyễn - founder thương hiệu Happy Clothing - cũng nhiều lần chứng kiến sản phẩm của mình bị bên khác nhái lại. Cụ thể ở đây là các xưởng nhỏ lẻ và cả những local brand chỉ thuê người về thiết kế, chủ thương hiệu không có kiến thức thời trang.
Khi làm việc gián tiếp qua đội ngũ thiết kế, việc cóp nhặt các sản phẩm từ brand khác rồi làm lại là chuyện thường thấy. Điều này ảnh hưởng nhiều đến khách hàng cũng như doanh thu thương hiệu.
"Tôi từng liên hệ trực tiếp để hỏi về vấn đề này và nhận lại cách trả lời không văn minh lắm. Thậm chí, nhiều bên còn lấy hình ảnh mang tính chất độc quyền của thương hiệu tôi để đăng quảng cáo. Tôi nghĩ họ không hề biết việc mình đang làm là sai. Họ cho rằng đó là điều hiển nhiên.
Một số người còn nói rằng họ thấy những thiết kế được đăng lên mạng nên lấy làm làm lại, không có gì sai. Các bạn đó chưa có ý thức về nghề hay sản phẩm độc quyền dù ở Việt Nam đã hỗ trợ đăng ký bản quyền thiết kế. Sự bảo vệ vẫn chưa được đảm bảo dành cho các nhà thiết kế”, Thảo nguyễn chia sẻ.
Nhà thiết kế Thảo Nguyễn nhiều lần phát hiện đồ mình bị làm nhái. Ảnh: NVCC.
Bên đạo nhái có nhiều mức giá khác nhau. Xưởng nhỏ lẻ bán giá rất thấp, đồng nghĩa chất lượng kém. Với những thương hiệu lớn hay nhà thiết trẻ, mới vào nghề, những sản phẩm có chất lượng tốt hơn một chút, giá bán ra khoảng 50-60% bản gốc. Họ sao chép không hoàn toàn, chỉ lấy một phần.
Sau nhiều năm, Thảo Nguyễn tìm ra hướng khắc phục cho riêng mình. Cô quyết định cải tiến sản phẩm, thiên về chi tiết cao cấp, mang tính haute couture. Cô tập trung vào kỹ thuật, độ khó nhiều hơn như tạo lớp vải hay thêu đính. Với những sản phẩm như vậy, người đạo nhái cũng khó bám theo được.
Nhà thiết kế cho rằng đạo nhái tạo ra hai mặt. Thứ nhất, nó chứng minh được việc sản phẩm của mình có sức hút, bán tốt nên một số bên mới nhái. Từ đó, khách hàng lại càng quan tâm để đi tìm sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Mặt trái là nó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách khi sợ “đụng hàng” do sản phẩm bị nhái quá nhiều. Khách hàng quên mất sản phẩm của thương hiệu. Việc mặc những sản phẩm không được tinh tế cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của họ.
Thực tế, “có cầu mới có cung”, khách hàng có quyền được lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền. Nhìn chung, vì mức thu nhập thấp, họ dễ cảm thấy hài lòng với các sản phẩm nhái. Họ đang mặc các sản phẩm “bà con xa” của bản gốc mà không hề biết như thế nào mới là kỹ thuật chuẩn.
Bên cạnh đó, đại diện dx.resell nói việc “thỏa hiệp” đồ local brand ít có giá trị về thương hiệu như hãng quốc tế nên mặc hàng nhái cũng không sao đã "tiếp tay" cho tình trạng đạo nhái trong nước.
Anh khuyên giới trẻ thay vì mua hàng nhái chất liệu tệ, bạn có thể tham khảo đồ 2hand. Anh nói: "Mua hàng nhái chỉ vì tên thương hiệu là điều cần loại bỏ. Bạn nên tiết kiệm thêm chút để mua cái tốt hơn cho xứng đáng đồng tiền bát gạo".
Lời khuyên được nhà thiết kế đưa ra là bạn nên tìm đến những local brand tầm trung để mua được thiết kế tốt nhất trong khả năng. Nhiều thương hiệu tầm trung trong nước hiện cũng đầu tư từng "đường kim mũi chỉ" chứ không nhất thiết phải mặc nhái sản phẩm cao cấp.
Bên cạnh đó, chủ thương hiệu thời trang cũng nên hiểu về khâu thiết kế. Khi có kiến thức về ngành mình đang làm, họ mới biết được nhân viên làm đúng hay sai.
Theo nhà thiết kế, không thể phủ nhận nhiều bạn trẻ hiện nay có trí sáng tạo rất cao. Nhưng trên hết, các bạn cần nâng cao trách nhiệm với nghề và sự sáng tạo, cập nhật xu hướng trên thế giới tìm ra phong cách riêng của mình.
"Theo kinh nghiệm đi dạy thế hệ trẻ về thiết kế, các bạn có xu hướng ‘xào nấu’ lại sản phẩm của người khác. Kiến thức thời trang còn non và kinh nghiệm chưa có nên việc mượn thiết kế không phải lạ", nhà thiết kế kể thêm.
Lâu dần, điều này khiến thương hiệu không thể phát triển, liên tục thay đổi phong cách, chẳng có dấu ấn riêng. Hơn nữa, họ cũng chẳng thể thu hút khách hàng quen do không định dạng được thương hiệu.
Vẫn là ranh giới mong manh không có rào chắn
Không giống các ngành công nghiệp khác, việc làm giả các sản phẩm thời trang dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu may mắn và các thiết kế được thay đổi nhiều so với bản gốc, việc đạo nhái có thể khó bị phát hiện. Trong trường hợp bị mang lên bàn cân, cả phía thương hiệu và người đạo nhái đều không có lợi.
Trước tiên, cần phải phân biệt giữa sự trùng lặp ý tưởng và đạo nhái trong thời trang. Nhiều người vẫn hiểu nhầm và quy chụp một nhà thiết kế khi nhìn thấy sáng tạo của họ có nhiều nét tương đồng với các thương hiệu khác.
Sự giống nhau trong thời trang vốn không phải là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, giữa trùng lặp ý tưởng và giống nhau gần như tuyệt đối là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt.
Một xu hướng giống nhau nhưng lại biến tấu và thể hiện bằng tư duy sáng tạo riêng, cùng các chi tiết khác lạ mang nhiều nét đặc trưng của nhà thiết kế được xem như trùng lặp ý tưởng hay học hỏi trong thời trang.
Đạo nhái tràn lan khiến khách hàng phân vân khi chọn đồ. Ảnh: Weiquan Lin.
Nếu sự học hỏi và trùng ý tưởng có thể "tạm chấp nhận" khi điều này luôn xảy ra trong làng mốt thế giới, đạo nhái lại trở thành vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và nền nghệ thuật chân chính.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Tất cả sự vật, hiện tượng đều có tính kế thừa và phát huy dựa trên nền tảng sẵn có. Đừng bao giờ nhìn cái gì hao hao rồi cho nó là một, là giống nhau, là sao chép. Điều đó thể hiện bạn là người thiếu tinh tế và hạn hẹp về kiến thức".
Theo anh, để xác định đạo nhái, form dáng là điều đầu tiên cần được xem xét. Anh cho rằng đây là yếu tố mọi người thường nhìn vào để đánh giá một thiết kế là đạo nhái, sao chép. Thứ hai là về việc xử lý chất liệu, hoạ tiết. Tiếp đến là chất liệu. Màu sắc là yếu tố cần xét cuối cùng.
Với nhận định trên, ở giữa đạo nhái và trùng lặp ý tưởng khó có thể xuất hiện một bức tường chắn kiên cố. Và thực trạng là nhiều người đang lạm dụng điều này để "ăn cắp chất xám".
Đây vẫn là đề tài nhức nhối trong giới thời trang nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. The Fashion Law cho rằng vấn đề nằm ở việc chưa có luật cụ thể, nghiêm khắc đối với tình trạng này.
Theo Zing