Chaumet, maison kim hoàn danh giá bậc nhất nước Pháp, có thể nói đã “nhất nghệ tinh” trong lĩnh vực của mình đến mức bảo tàng Louvre nổi tiếng là thế cũng phải tìm đến tay nghề của họ để phục chế trang sức. Trong số các bí quyết chế tác mà thương hiệu Paris nắm giữ, có ba kỹ thuật không thể không nhắc đến.

anh-1-hires-1753525366-1753694435521-17536944359601467397016.jpg

Nếu mỗi thương hiệu xa xỉ trên thế giới đều ghi chép lại “lore” của riêng mình – lịch sử và những câu chuyện lý thú – thì cuốn sách mang tựa đề Chaumet chắc chắn nhất nhì về độ dày. Số 12 quảng trường Vendôme, thành phố Paris không chỉ đặt trụ sở, boutique, các phòng salon, và bộ phận chế tác trang sức cao cấp, mà còn là nơi lưu trữ toàn bộ hay một phần thư viện đồ sộ gồm khoảng 66.000 bản vẽ, 36.000 bản in, 360 mẫu trang sức, 800 nguyên mẫu và 500 bản sao tiara bằng niken của thương hiệu thành lập cuối thế kỷ 18. Nếu dàn ngang, kho tàng đồ sộ này dài gần 600 mét, tức gấp hai lần chiều cao tháp Eiffel!

Để di sản này sống mãi bên ngoài trang giấy, mười ba thế hệ quản đốc công xưởng Chaumet cùng đội ngũ nghệ nhân hàng đầu thế giới đã miệt mài lưu truyền các bí quyết chuyên môn (savoir-faire) qua hàng thế kỷ. Tinh hoa chế tác truyền thừa này đã trở thành tín chỉ không thể chối cãi đối với thánh đường nghệ thuật cách trụ sở Chaumet gần đúng 1 cây số: bảo tàng Louvre.

anh-2-1753524319-1753694437161-1753694437310673386712.jpg

“Bảo tàng Louvre mỗi khi gặp vấn đề với các bộ sưu tập trang sức cổ đều gửi đến Chaumet để phục chế, ngay cả khi những món trang sức đó không có nguồn gốc từ Chaumet. Là nhà kim hoàn lâu đời nhất, sở hữu những kỹ thuật truyền thống và kiến thức chuyên sâu, chúng tôi biết rõ trang sức ở thế kỷ 18 được chế tác ra sao và làm thế nào để phục hồi chúng một cách nguyên bản,” ông Charles Leung, CEO Chaumet chia sẻ.

Hé mở một góc những “bí thuật” đang diễn ra mỗi ngày đằng sau cánh cổng xanh số 12 Vendôme, bài viết sẽ tìm hiểu chi tiết ba kỹ xảo kim hoàn mang tính biểu tượng nhất của thương hiệu gồm: kim cương dáng quả lê (pear-shape), fil-couteau, và trompe l'œil.

Kim cương pear-shape

Dáng pear-shape (hình quả lê hay giọt lệ) không hẳn là một savoir-faire. Đúng hơn, đây là một motif. Thế nhưng, nhắc đến Chaumet, chắc chắn phải nhắc đến kim cương, và nhắc đến kim cương Chaumet là nhắc đến pear-shape cùng bộ sưu tập (BST) trang sức Joséphine. Tạo hình này của thương hiệu Vendôme kỹ lưỡng, đạt trình độ cao và kinh điển đến mức có thể xem như một bí quyết chế tác không chính thức.

anh-3-1753524570-1753694437879-17536944379541186722544.jpg

Kim cương pear-shape của Chaumet được tinh tuyển và tinh chế theo chuẩn mực hiếm thấy. Chỉ có những viên đá đáp ứng bộ 4 tiêu chí (4C) của GIA (Viện Ngọc học Hoa Kỳ) mới hợp cách. Các viên đá trung tâm trên trang sức phải mang nước D, E, F và phải cắt lại theo tỉ lệ 1,48-1,58: “tỉ lệ vàng” đề cao sự hài hoà của riêng Chaumet, mà thương hiệu tự hào gọi là “chữ C thứ năm” bên cạnh GIA 4C.

anh-4-1753524831-1753694439129-1753694439215178956556.jpg

Đây cũng chính là kiểu dáng được nữ hoàng Joséphine (người vợ đầu của hoàng đế Napoléon Bonaparte) đặc biệt ưu ái. Tôn vinh “nàng thơ đầu tiên” ấy, Chaumet đặt tên cho BST lấp lánh kim cương pear-shape cái tên Joséphine. Theo thời gian, pear-shape và trang sức Joséphine đã trở thành những biểu tượng thanh lịch và táo bạo của thương hiệu.

Kỹ thuật fil-couteau

Fil-couteau là kỹ thuật trong đó phần khung của các thiết kế trang sức được chế tạo sao cho mảnh mai nhất có thể. Đến mức, chúng gần như vô hình bên dưới ánh sáng lộng lẫy của kim cương và các loại đá quý. Cụ thể hơn, một cầu nối kim loại rất mảnh sẽ kết nối hai phần khác nhau trên món trang sức, đảm bảo độ thanh thoát, bay bổng, nhưng vẫn gắn kết vững vàng.

anh-5-1753524870-1753694439907-17536944409571683781477.jpg

Kỹ thuật này còn giúp tăng độ linh hoạt trên những thiết kế có tính chuyển động, chẳng hạn như những “giọt” kim cương buông rủ trên một số mẫu bông tai hay dây chuyền Joséphine.

anh-6-1753524929-1753694442168-17536944422861773774721.jpg

Bộ sưu tập trang sức cao cấp mới Jewels by Nature vận dụng fil-couteau khiến bảy viên hồng ngọc Mozambique nặng 14,03 cara lơ lửng trên những dòng suối kim cương của chiếc vòng cổ Lay-ơn (Sword Lily).

Kỹ thuật trompe l'œil

Sáng tạo hơn, bay bổng hơn với dáng hình quả lê/giọt lệ trứ danh của mình, Chaumet phát triển kỹ thuật đặc biệt thứ ba mang tên trompe-l’œil (mang nghĩa “ảo ảnh thị giác” trong tiếng Pháp).

Nói theo cách ngắn gọn, “ảo thuật” này ghép nhiều viên kim cương giác cắt brilliant thành một khối giống như một viên kim cương pear-shape lớn. Theo nhà chế tác, trompe-l’œil vốn là một biến thể của đính đá điểm hạt (grain-set), và được lấy cảm hứng từ kiểu dáng tiara nổi tiếng nhất trong lịch sử Chaumet: bourbon-parme. Trompe-l’œil được ứng dụng khá rộng rãi trong catalogue Chaumet, đặc biệt là trong BST Joséphine.

anh-7-1753525062-1753694443530-175369444370941961359.jpg

Dường như bộ trang sức Joséphine Ronde d’Aigrettes được thiết kế với dải kim cương pear-shape nối liền nhau. Đó chính là trompe-l’œil tài tình của Chaumet! Kỳ thực, chúng được tạo nên từ nhiều viên kim cương cắt giác brilliant.

anh-8-hires-1753525296-1753694444423-175369444492974765677.jpg

Để tôn vinh kỹ thuật độc đáo này, vào năm 2024 thương hiệu đã giới thiệu thiết kế vòng cổ Pearlescent trompe-l’oeil trong bộ sưu tập trang sức cao cấp Chaumet en Scene. Có thể thấy rõ những viên kim cương brilliant với kích thước rất lớn, cùng ngọc trai cúc áo (button pearl) tạo nên chi tiết pear-shape kinh điển theo bút pháp phóng đại.

Trang Đào

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022