Nếu theo dõi đêm chung kết World Cup và khoảnh khắc trao cúp vô địch cho đội tuyển Argentina, chắc hẳn người hâm mộ sẽ không thể quên được giây phút Tiểu vương Qatar Sheik Tamim bin Hamad Al Thani choàng chiếc áo đen lên vai cầu thủ số 10 của đội, Lionel Messi.
Đây là trang phục truyền thống dành cho nam giới ở Qatar mặc trong lễ tốt nghiệp, đám cưới , có tên là "bisht" hoặc được các nhà lãnh đạo Hồi giáo hay quan chức Chính phủ sử dụng trong những dịp đặc biệt. Nói cách khác, đây có thể coi là một biểu tượng quyền lực của đất nước này.
Chiếc áo choàng do công ty gia đình ông Al-Salem sản xuất có giá từ 2.200 USD (hơn 52 triệu đồng). Phải nói, khi chứng kiến khoảnh khắc chiếc áo này khoác lên danh thủ của đội tuyển Argentina, ông Al-Salem xúc động hơn bất cứ ai.
Theo như tiết lộ, công ty của ông đã may thủ công hai chiếc áo choàng trước đêm chung kết diễn ra và trao cho các quan chức FIFA. Trong đó, một chiếc có kích thước nhỏ, phù hợp với ngoại hình của Messi và chiếc còn lại dành cho Hugo Lloris của đội tuyển Pháp. Bên cạnh đó, chiếc áo yêu cầu phải sử dụng loại vải nhẹ nhất và trong suốt nhất.
Ông Al-Salem cho hay: "Chúng tôi không biết những chiếc áo sẽ được dành cho ai nên rất ngạc nhiên".
Chiếc "bisht" của Messi được sử dụng sợi chỉ vàng được nhập từ Đức và vải bông Najafi đến từ Nhật Bản. Mỗi chiếc áo tốn một tuần để may nên. Những đường tết ở phía trước áo và cánh tay được làm từ sợi chỉ vàng dát mỏng.
Được biết, cửa hàng của ông Al-Salem là cửa hàng lớn nhất trong số 5 nhà sản xuất ở Qatar với khoảng 60 thợ may, nằm tại khu chợ trung tâm Souq Waqif của thủ đô Doha. Cửa hàng của gia đình ông từ lâu đã chuyên cung cấp loại áo "bisht" cho Hoàng gia Qatar.
Tuy nhiên, vì áo choàng làm thủ công nên mỗi ngày chỉ bán được 8-20 chiếc. Sau đêm chung kết Qatar, số đơn đặt hàng lên tới 150 chiếc/ngày. Đặc biệt, chiếc áo "bản sao" của Messi luôn "cháy hàng". Cửa hàng không kịp sản xuất so với nhu cầu của khách hàng.
"Có thời điểm hàng chục người đợi bên ngoài cửa hàng để mua", ông Salem chia sẻ hầu hết là khách hàng Argentina.
Theo bà Carole Gomez, một Giáo sư đến từ Đại học Lausanne, khoảnh khắc đặc biệt trong lễ trao giải World Cup 2022 vô cùng quan trọng với Qatar, bởi lẽ đất nước này đang tìm cách quảng bá văn hóa đến toàn thế giới.
Theo Phụ nữ Việt Nam