Ngày 20/3, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, cho biết người đàn ông bị rắn cắn vào đốt thứ nhất của ngón thứ hai (bàn tay phải), chảy máu, bầm tím, sưng nhẹ. Lúc nhập viện, bệnh nhân không đau ngực, không khó thở, tỉnh táo.

Trước đó, anh phát hiện con rắn dài khoảng một mét đang bò ở ngoài cổng nên dùng gậy bắt, không may bị cắn vào tay. Sau đó, anh mang theo đầu con vật vào bệnh viện để bác sĩ nhận dạng chủng loài, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, dấu răng trên vết thương, cũng như đầu rắn, bác sĩ cho biết bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm độc. Tuy nhiên, ê kíp cũng không xác định được chủng loại rắn.

Để phòng ngừa, bác sĩ xử lý, làm sạch vết thương tránh nhiễm trùng và kê thuốc giảm sưng đau. Sau một ngày theo dõi, sức khỏe ổn định, bệnh nhân được xuất viện.

335645845-763658655083426-4503-1821-5098-1679302216.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SBoCSgCMKF8zu3H619QG7A

Bệnh nhân bị rắn cắn vào ngón tay. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ cho biết có thể nhận biết rắn độc và rắn thường thông qua dấu răng, tình trạng phù nề và màu sắc vùng da bị cắn. Rắn độc có hai tuyến nọc và răng độc, khi cắn thường để lại dấu răng trên vết thương. Rắn thường chỉ có răng hàm, không có tuyến nọc, nên vết thương sẽ hình vòng cung, dấu răng đều nhau.

Người bị rắn cắn có dấu hiệu trào đờm, mờ mắt, chảy máu tại chỗ, cứng miệng, sưng nề, nôn ra máu thì 90% là bị nhiễm nọc độc, nên được sơ cứu và đưa đến bệnh viện ngay.

Tuyệt đối không băng vết thương vì sẽ làm tắc nghẽn động mạch, có thể phải cắt bỏ tay, chân, hoặc khiến chất độc chạy về tim, gây sốc, đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, người dân không chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết thương; không hút nọc, chườm đá; không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa mẹo.

Minh An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022