"Thay vào đó, có thể sử dụng các bác sĩ trẻ thực hành tổng quát như cách làm của TP HCM, y sĩ, điều dưỡng đã qua huấn luyện hoàn toàn đảm trách tốt chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng", bác sĩ Socorro Escalante, quyền trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói khi làm việc với lãnh đạo thành phố những ngày qua.

Bà Socorro Escalante cho biết hỗ trợ TP HCM triển khai Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO (gọi tắt là WHO PEN), thông qua hệ thống y tế cộng đồng.

Với cách làm này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố chịu trách nhiệm chính điều phối, giám sát, theo dõi, lượng giá kết quả... Trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc tại cộng đồng các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, giai đoạn đầu nên tập trung nguồn lực ưu tiên cho hai bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Một yếu tố quan trọng khác, mang tính quyết định cho sự thành công của chương trình WHO PEN là vấn đề cung ứng thuốc cho các trạm y tế. Do đó, các chuyên gia WHO ủng hộ thành phố triển khai đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng về y tế cơ sở, trong đó bổ sung danh mục thuốc cho các bệnh không lây nhiễm tương tự như danh mục thuốc của bệnh viện tuyến huyện. Cụ thể, Sở Y tế TP HCM đang trình UBND, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép triển khai thí điểm mở rộng danh mục cho y tế cơ sở, bổ sung 50 loại thuốc điều trị các bệnh không lây.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế. Các trung tâm y tế và các bệnh viện tuyến huyện cần sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng hơn được chuyển đến từ các trạm y tế.

Khảo sát do Sở Y tế TP HCM thực hiện vào cuối tháng 8 tại hai bệnh viện Quận 7 và Quận Bình Thạnh, 80% người mắc bệnh không lây nhiễm chia sẻ muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế nếu trạm có đủ thuốc như các bệnh viện tuyến huyện. Trong khi đó, thực tế hiện nay các trạm y tế trên địa bàn chỉ tiếp nhận vài lượt khám bệnh mỗi ngày.

Như lãnh đạo trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết mỗi tháng khám khoảng 120 bệnh nhân tức trung bình mỗi ngày 3-4 lượt khám, trong đó 60 bệnh nhân cao huyết áp và tiểu đường, còn lại là người mắc bệnh lý khác. Trạm không có danh sách người bệnh mắc bệnh mạn tính trên địa bàn để quản lý và theo dõi, mà người bệnh đến trạm thì sẽ được khám và cho thuốc về nhà uống.

Ông Lại Đức Trường, văn phòng WHO tại Việt Nam cho rằng "đây là con số vô cùng ít, trong khi trạm y tế là nơi khám chữa bệnh tốt, có thể cạnh tranh với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên".

-1707-1663163673.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Bx1hew7YgjVJg2BiaTCBsA

Bác sĩ khám bệnh tại trạm y tế ở TP HCM. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo một điều tra do WHO phối hợp thực hiện, kết quả sắp công bố, hơn 7% dân số mắc bệnh tiểu đường, 26% người từ 18 đến 69 tuổi trên cả nước bị tăng huyết áp. Bệnh nhân nhiều nhưng số được quản lý điều trị rất thấp, trong đó hơn 86% người cao huyết áp và hơn 71% người bị tiểu đường không được theo dõi. Đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh nên không điều trị.

Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam chiếm đến 77% tổng số ca bệnh, trong đó số người tử vong sớm trước 70 tuổi đến 44%. Bệnh nhân cũng có thể đối diện nguy cơ tàn tật như liệt nửa người, mù lòa, suy thận, loét chi phải cắt cụt... Bệnh thường tiến triển chậm và hầu như không chữa khỏi

Ngoài ra, chuyên gia WHO khuyến cáo ngành y tế thành phố nên triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm - vốn tỷ lệ mắc tăng nhanh sau đại dịch Covid-19.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022