Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mắt hột là nguyên nhân truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa trên toàn cầu. Đây là một căn bệnh về mắt do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Bệnh mắt hột lây lan qua ruồi, mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người mắc bệnh.

Khi bị nhiễm trùng nhiều lần, lông mi của người bệnh có thể bị kéo vào trong và cọ xát vào bề mặt mắt, gây đau và làm hỏng giác mạc. Một số người bệnh phải phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do căn bệnh này.

Nỗ lực trong suốt 7 thập kỷ

Trong 70 năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực chống lại bệnh mắt hột, điều trị cho hàng trăm nghìn người và thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh chặt chẽ. Những nỗ lực này đã được tăng cường đáng kể với việc triển khai chiến lược SAFE của WHO, bao gồm phẫu thuật, kháng sinh, vệ sinh mắt và cải thiện môi trường.

Theo WHO, các cuộc khảo sát trước đây cho thấy bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại bốn tỉnh của Việt Nam. 30 năm trước, 1,7% người dân sống tại các tỉnh có nguy cơ cao này cần phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do bệnh mắt hột. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ người lớn mắc dạng bệnh gây mù lòa này đã giảm xuống dưới 0,2%. Đây là ngưỡng cần thiết để WHO xác nhận việc loại trừ bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Việc theo dõi liên tục và tập trung triển khai chiến lược SAFE tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1999, đã góp phần quan trọng trong sự giảm thiểu này.

viet-nam-nhan-giay-chung-nhan-va-bang-vinh-danh-1729519573116-17295195733771759570455.jpg

Bà Liên Hương nhận giấy chứng nhận và bằng vinh danh của WHO.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Việc loại trừ bệnh mắt hột được coi như một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Đây một thành tựu to lớn đối với Việt Nam và cuộc chiến chống lại căn bệnh này trên toàn cầu. Cột mốc này là minh chứng cho sự tận tụy không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam. Tôi ca ngợi Việt Nam vì sự tận tụy và thành công trong việc bảo vệ thị lực của hàng triệu người”.

Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO khen ngơi thành tựu của Việt Nam: “Việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước. Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân”.

Khoảnh khắc đáng tự hào đối với Việt Nam

Đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, nói: “Những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch để vệ sinh là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng họ có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột”.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương đã được WHO vinh danh vì có những nỗ lực trong việc loại bỏ bệnh mắt hột.

Theo bà Hương việc loại trừ bệnh mắt hột là khoảnh khắc đáng tự hào đối với Việt Nam. Những nỗ lực chung của nhiều cơ quan và cộng đồng, với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức đối tác, đã cứu hàng nghìn người khỏi tình trạng mù lòa suốt đời và bất lợi về kinh tế.

"Con em chúng ta giờ đây có thể lớn lên an toàn khỏi căn bệnh đau đớn và có khả năng gây mù lòa này. Đây là một thành tựu tuyệt vời đối với người dân của chúng tôi, sẽ mang lại lợi ích trong nhiều thập kỷ tới. Trong khoảnh khắc vui mừng này, thay mặt cho người dân Việt Nam, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các đối tác quốc tế đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam”, bà Hương nói.

Trước đó, vào năm 2018, Việt Nam đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết. Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, căn bệnh hiện chỉ còn xuất hiện ở một số vùng và sắp được loại trừ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022