Những năm gần đây, sử dụng bóng cười (khí N2O) đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ Việt Nam.
Nhiều bạn trẻ xem đây là cách xả stress hiệu quả, bởi khi hít bóng cười, người dùng cảm thấy sảng khoái, cười không thể kiểm soát và thậm chí chìm đắm trong ảo giác.
Tuy nhiên, những hậu quả từ việc lạm dụng bóng cười đang ngày càng trở nên rõ rệt, với nhiều trường hợp nhập viện nghiêm trọng.
Nữ sinh 16 tuổi bị liệt 2 chân sau khi hít 15 quả bóng cười
Tháng 8/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một bệnh nhân nữ 16 tuổi (Vĩnh Phúc) trong tình trạng yếu 2 chi trên và liệt hoàn toàn 2 chi dưới sau khi sử dụng 15 quả bóng cười trong vòng 3 ngày.
Trước đó, cô gái hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sau khi sử dụng bóng cười, cô bắt đầu cảm thấy tê bì tứ chi, bị chuột rút và giảm cảm giác. Tình trạng này ngày càng nặng, dẫn đến việc cô không thể vận động hai chân.
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã cải thiện các triệu chứng lâm sàng.
Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do tác động của bóng cười. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh và vitamin B12 liều cao. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của cô đã cải thiện, có thể đi lại và vận động, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, tái khám tại chuyên khoa thần kinh.
Liệt cơ, tổn thương vùng tủy cổ vì hít bóng cười, có ngày tới 200 quả
Tháng 9/2023, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ của Trung tâm chống độc vừa tiếp nhận, điều trị trường hợp nam bệnh nhân 25 tuổi (ở Hải Phòng) bị ngộ độc khí N2O (khí cười) sau thời gian dài hít bóng cười. Được biết, bệnh nhân đã hít bóng cười từ 3-4 năm trước đó. Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân có sử dụng số lượng lớn bóng cười, thậm chí có ngày hít tới 5-10 bình khí N2O, tương đương với 100-200 quả bóng cười.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu các cơ, tê bì gần như toàn thân, đi lại khó khăn, đặc biệt kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị tổn thương vùng tủy cổ.
Tổn thương thần kinh do lạm dụng bóng cười 3 lần/tuần
Gần đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân tiếp nhận bệnh nhân N.M.N (23 tuổi, Hà Nội) đến thăm khám trong tình trạng tê bì tay chân, đau đầu, mất ngủ và tim đập nhanh. Bệnh nhân cho biết đã sử dụng bóng cười với tần suất 3 lần/tuần trong suốt một năm qua.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ và viêm đa dây thần kinh ngoại biên, gây ra các triệu chứng tê bì và giảm cảm giác. Nguyên nhân được xác định là do ngộ độc khí N2O từ bóng cười, gây tổn thương hệ thần kinh ngoại biên.
Thanh niên nhập viện vì tổn thương tủy sống do lạm dụng bóng cười
Vào năm 2022, một nam thanh niên ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng do sử dụng bóng cười trong thời gian dài.
Theo các bác sĩ tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tủy sống của bệnh nhân này đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến triệu chứng run rẩy tay chân và mất khả năng đi lại, mặc dù đã trải qua 2 tuần điều trị.
Trường hợp này cho thấy mức độ nguy hiểm của khí N2O (bóng cười) khi được sử dụng thường xuyên.
Nam thanh niên phải nhập viện cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai do lạm dụng bóng cười.
Theo thống kê từ Bệnh viện Bạch Mai, trong 5 năm trở lại đây, số ca nhập viện liên quan đến ngộ độc khí N2O tăng đáng kể. Trung tâm chống độc tại bệnh viện ghi nhận rằng hầu như mỗi ngày đều có bệnh nhân điều trị các triệu chứng ngộ độc từ việc lạm dụng bóng cười.
Lạm dụng bóng cười - cái giá phải trả "đắt" hơn những gì tưởng tượng
Theo Bệnh viện Bạch Mai, bóng cười thực chất là những quả bóng chứa khí N2O (nitrous oxide), một loại khí gây ảo giác. Sau khi hít khí này, người dùng sẽ cảm thấy tê tê, phấn khích và cười không ngừng. Tuy nhiên, khí N2O không hề an toàn như nhiều người nghĩ, đặc biệt là đối với hệ thần kinh và tim mạch.
1. Tác động nguy hiểm đến hệ thần kinh và tim mạch
Khí N2O khi vào cơ thể tác động trực tiếp lên hệ thần kinh, gây hưng phấn tức thời nhưng lại kèm theo những nguy cơ nghiêm trọng.
Việc sử dụng bóng cười quá mức có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, khiến người dùng dễ gặp phải các triệu chứng như tê bì, suy giảm chức năng vận động, và thậm chí là liệt. Hơn nữa, khí này cũng ảnh hưởng đến tim mạch, gây rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tử vong nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài.
Ảnh minh họa
2. Nguy cơ ngạt thở và suy hô hấp
Một trong những tác hại khác của bóng cười là nguy cơ gây ngạt thở. Do cười quá mức và kéo dài, cơ thể có thể bị thiếu oxy, đặc biệt là ở những người có bệnh lý về đường hô hấp. Tình trạng này có thể gây suy hô hấp và thậm chí là tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
3. Nguy cơ nghiện và phụ thuộc
N2O được xếp vào nhóm chất gây nghiện, tương tự như các chất kích thích mạnh như heroin. Ban đầu, nhiều người sử dụng bóng cười chỉ để "thử cho vui", nhưng theo thời gian, họ dần tăng liều do tác dụng hưng phấn giảm dần. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người trở nên phụ thuộc và nghiện bóng cười. Từ đó, nguy cơ ngộ độc và tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe tăng lên theo từng lần sử dụng.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng giới trẻ không nên sử dụng bóng cười vì nó có thể mang lại cảm giác vui vẻ, hưng phấn trong thời gian ngắn, nhưng hậu quả về lâu dài là không thể lường trước.