Bệnh nhân quê Hải Dương, được đưa đến Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng sốc tim, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ đánh giá tình trạng nguy kịch, xử lý theo quy trình tối cấp, đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch liều cao, xét nghiệm máu và đưa ngay vào phòng mổ.

Tại phòng mổ, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bác sĩ ép tim ngoài lồng ngực để tim đập trở lại. Khi mổ bác sĩ phát hiện trong khoang màng tim có nhiều máu cục làm thương tổn thành tự do của thất trái với diện tích 5-6 cm. Ê kíp phẫu thuật đã cắt bỏ cơ tim hoại tử và vá lại bằng miếng vá nhân tạo. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Đây là một trong ba bệnh nhân bị vỡ tâm thất mà Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận trong tuần qua. Hiện chưa có thống kê, song các bác sĩ ghi nhận số bệnh nhân vỡ thất tăng lên.

Vỡ thành tự do tâm thất trái là một biến chứng khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, được ghi nhận ở 2-4% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu cho biến chứng này, nhằm mục đích vá lại đường vỡ tim và ngăn ngừa vỡ tim tiến triển muộn.

"Đây là một biến chứng đầy thách thức với tỷ lệ tử vong sau mổ cao khoảng 60%, ngay cả khi bệnh nhân được chẩn đoán kịp thời và phẫu thuật ngay", TS.BS Ngô Thành Hưng, phẫu thuật cho bệnh nhân, nói hôm 28/3.

1-9429-1711598617.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NJ1U2h_NGGGb0xjeUbzghA

Các bác sĩ mổ tim cho một bệnh nhân. Ảnh: Hùng Ngô

Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây biến chứng vỡ thất sau nhồi máu cơ tim là vùng nhồi máu rộng, tuổi cao, nữ giới. Biểu hiện của vỡ thất cũng giống như nhồi máu cơ tim là đau ngực, vã mồ hôi, sốc tim, ngất...

Để phòng ngừa, bệnh nhân có tiểu sử bị bệnh tim, bệnh nền tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, cần theo dõi thường xuyên. Người mắc bệnh tim có nguy cơ nhồi máu cơ tim cần đặc biệt theo dõi, nếu có triệu chứng cần phải cấp cứu kịp thời, theo đúng quy trình.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022