Kim, mẹ của một bệnh nhi 27 tháng tuổi, cảm thấy lo lắng cho cho con gái bị bệnh thận của mình. Cô bé đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNU). Tuy nhiên, hai bác sĩ nhi khoa chịu trách nhiệm chính có ý định từ chức trong tháng 5. Họ kêu gọi các bậc cha mẹ tìm kiếm các bệnh viện khác để điều trị cho con mình những tháng tới.

Kim cho biết cô không thể thoát khỏi cảm giác đứa con bé bỏng, ốm yếu đang "bị bắt làm con tin".

"Tôi không thấy bác sĩ có bất cứ nghĩa vụ hay trách nhiệm với bệnh nhân, khi họ khuyên tôi tìm kiếm dịch vụ y tế ở nơi khác. Nếu con gái tôi phải chuyển viện, chúng tôi sẽ phải xét nghiệm lại từ đầu. Có cảm giác như cả tôi và con gái đều phải một mình giải quyết tất cả những chuyện này", cô nói.

Cô cho biết bệnh viện còn yêu cầu trả phí 70.000 won (51 USD) để cấp các giấy tờ cần thiết cho việc chuyển tuyến. Gia đình cũng phải trả nốt các khoảng thanh toán dịch vụ cơ bản.

Đây là một trong hàng nghìn gia đình bệnh nhân bị ảnh hưởng từ khi cuộc đình công của các bác sĩ nội trú và thực tập diễn ra vào cuối tháng 2, nhằm phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên y vào năm sau của chính phủ. Cuộc khủng hoảng tiếp tục trầm trọng khi các giáo sư y khoa, đồng thời là bác sĩ cấp cao, tuyên bố nghỉ việc hoặc giảm giờ làm từ đầu tháng 5 để ủng hộ học trò.

Cụ thể, các giáo sư Trường Y Đại học Quốc gia Seoul (SNU) và các bệnh viện trực thuộc, một trong 5 trung tâm y tế lớn nhất cả nước, quyết định nghỉ điều trị cho bệnh nhân một ngày mỗi tuần.

Bang Jae-seung, người đứng đầu ủy ban khẩn cấp của hội đồng giáo sư y khoa SNU, thông báo các bác sĩ cao cấp sẽ chỉ điều trị cho bệnh nhân nội trú và những người đang trong tình trạng cấp cứu hoặc nguy kịch, trong ngày 30/4. Tất cả bệnh khám ngoại trú và không nguy cấp sẽ không được tiếp nhận. Theo ông, Ủy ban sẽ tiếp tục xem xét liệu có nên nghỉ một ngày mỗi tuần trong thời gian tới hay không.

"Quyết định nghỉ việc vào ngày 30/4 được đưa ra để chữa lành cơ thể và tinh thần của chúng tôi, khi đang mệt mỏi vì làm việc quá sức hơn hai tháng (kể từ khi các bác sĩ thực tập nghỉ việc)", Bang nói trong một cuộc họp báo.

Ông chỉ ra rằng các giáo sư của SNU đã bắt đầu gửi đơn từ chức kể từ ngày 25/3. Mỗi đơn sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, tức là một số giáo sư đã sẵn sàng rời bỏ công việc sớm nhất là vào 2/5.

news-p-v1-20240408-972c2c58266-8343-3931-1714274523.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Rn2052INgRAWiji1nJ-V8A

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh:Yonhap

Các giáo sư tại Đại học Ulsan và bệnh viện đào tạo trực thuộc (Trung tâm Y tế Asan) cũng tuyên bố ý định tương tự. Người không thể xin từ chức sẽ nghỉ một ngày hàng tuần, bắt đầu từ 3/5. Đây là một trong 5 cơ sở y tế lớn nhất Hàn Quốc.

"Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sắp xếp lại các cuộc điều trị, phẫu thuật do những hạn chế về tinh thần và thể chất của giáo sư", họ viết trong một tuyên bố.

Cùng lúc, các giáo sư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungnam ở Daejeon và Bệnh viện Đại học Wonkwang ở Bắc Jeolla đã đồng ý không tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú vào thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ tuần này và tuần sau.

Dù đóng cửa, các bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu hoặc nguy kịch. Tuy nhiên, điều này không làm giảm bớt mối lo ngại của bệnh nhân và gia đình họ, đặc biệt trước khả năng những cơ sở y tế lớn cũng không làm việc.

Từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, đã rời bệnh viện. Những người đình công cho rằng cải cách này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.

Cuộc khủng hoảng lan sang cả lĩnh vực đào tạo, khi sinh viên y khoa và nhiều giáo sư trường y nghỉ việc ủng hộ các bác sĩ nội trú. Trong khi đó, chính phủ bắt đầu tước giấy phép hành nghề của gần 5.000 bác sĩ trên, đồng thời xét đến xử lý hình sự.

Cuối tháng 4, chính phủ đã có động thái hòa giải khi đồng ý để các trường y giảm chỉ tiêu tuyển sinh, song các bác sĩ đình công vẫn phản đối. Họ cho rằng giới chức cần hủy bỏ hoàn toàn quyết định tăng chỉ tiêu sinh viên y, tập trung vào giải quyết vấn đề thu nhập và bảo vệ nhân viên y tế.

Thục Linh (Theo Korea Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022