Bà Shan mang đến một cuốn sách 103 trang do bà viết về chuyến đi du lịch 3 năm trước, những ngày bất ngờ nhập viện, nỗi lo lắng, nỗi sợ và hy vọng: A diverse Nurse, thanks Vietnam (Người y tá làm tất cả cho bệnh nhân, cảm ơn Việt Nam).
Ông bà được ghi nhận là "bệnh nhân 24" và "bệnh nhân 28" vào tháng 3/2020. Năm ấy, họ đi du lịch trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Hà Nội ngày 2/3/2020 - trên chuyến bay có cô gái vài ngày sau được xác định là "bệnh nhân 17", ca Covid đầu tiên tại Hà Nội.
Quá trình điều trị Covid, ông Dixong John Garth, khi ấy 74 tuổi, khó thở tăng dần, được hỗ trợ thở oxy. Sau đó bệnh chuyển biến xấu, bệnh nhân suy hô hấp nặng, không đáp ứng với thở oxy, phải chuyển khoa hồi sức tích cực để đặt nội khí quản và thở máy. Ông được điều trị tích cực, sau hơn một tuần có chuyển biến tốt, cai máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ, đến khi xét nghiệm âm tính lần 4, toàn trạng ổn định thì ra viện.
Bà Shan cũng được điều trị tích cực, sức khỏe dần hồi phục, kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp. Bà nhớ lúc điều trị, gặp lại chồng, bà rất sốc vì ông không còn tóc. Bà xin bác sĩ cho bà được gặp chồng và mỗi ngày ông tiến triển tốt lên đến khi cai máy thở. Họ xuất viện đêm 13/4/2020 và ra thẳng sân bay về nước.
Sau 3 năm, ông bà lại du lịch đến Việt Nam và thăm bệnh viện, thăm những y bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực đã cứu chữa mình. Ông Dixong xúc động chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn ngắm rõ gương mặt của các y bác sĩ, bởi khi ấy mọi người trong trang phục bảo hộ kín mít, luôn tận tụy, cố gắng hết sức để cứu chúng tôi".
Bà Shan nhớ bà rất sốc khi biết tin mắc Covid-19 và luôn nghĩ mình sẽ chết. "Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống tôi. Tôi nghĩ nếu không ở đây, chưa chắc tôi đã sống được", bà nói, thêm rằng "ngày hôm nay như một giấc mơ".
Ông Dixong John Garth gặp lại điều dưỡng Thùy Nhinh, ngày trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 8/3. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cùng điều dưỡng Vũ Thị Thùy Nhinh, người chăm sóc chính hai bệnh nhân lúc đó, xúc động hơn cả. Điều dưỡng Nhinh rất bất ngờ khi nhận bức ảnh bà Shan chụp chị qua ô cửa kính lúc đang chăm sóc các bệnh nhân.
Chị chia sẻ, trong đợt dịch có nhiều bệnh nhân phải chăm sóc, áp lực công việc rất lớn. Khi ấy, lần đầu tiên chăm sóc bệnh nhân Covid-19, kiến thức về căn bệnh còn mới và thiếu, ngôn ngữ không hiểu nhau, nhưng cũng cố gắng nói bập bẹ để hiểu ý mình muốn truyền đạt. "Tôi không sợ hãi bởi tôi biết bệnh nhân còn hoảng hơn mình do họ mắc căn bệnh mới lạ khi đi du lịch, không có người thân bên cạnh, cảm giác sợ hãi, cô đơn và trống trải", chị nói.
Còn bác sĩ Khiêm "cảm thấy rất vui, bệnh nhân quay lại viện sau 3 năm là nguồn động lực rất lớn với chúng tôi". Anh cho biết bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực là đã rất nặng, nên những người khỏi bệnh, ra viện như một mầm sống thứ hai.
Lần này, hai ông bà sẽ đi Sa Pa, Hạ Long và những địa điểm chưa thực hiện được trong chuyến đi trước.
Bà Shan chụp ảnh điều dưỡng Nhinh qua ô cửa kính khi vợ chồng bà xuất viện và ra sân bay về nước ngay. Ảnh: Điều dưỡng cung cấp
Thúy Quỳnh