Ngày 8/3, đại diện Bệnh viện sản nhi Nghệ An cho biết hiện bé có thể trạng ổn định, tự bú mẹ, xuất viện.
Mẹ bé 34 tuổi, hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm (IVF) mang song thai. Lúc 24 tuần, thai phụ có dấu hiệu dọa sinh non, phải nhập viện. Bác sĩ khám xác định không có khả năng giữ thai thêm trong cơ thể mẹ nữa, quyết định sinh mổ chủ động. Cuối tháng 11/2022, hai bé - một trai, một gái - chào đời, nặng 600 g và 700 g, thể trạng rất yếu, không khóc, không có phản xạ và nhịp tim chậm.
Các bác sĩ hồi sức tích cực sơ sinh túc trực trong phòng sinh, đặt nội khí quản ngay cho trẻ và chuyển về khoa hồi sức sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng.
Lúc bé đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: HY
Theo bác sĩ Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, đây là một ca đặc biệt bởi trẻ dưới 28 tuần thai và nhẹ dưới 1.000 g, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da...
Bác sĩ phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp chăm sóc bé như nằm lồng ấp, thở máy qua nội khí quản, bơm surfactant, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Bé được đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục, xét nghiệm máu, chụp phim để tầm soát các bệnh lý sơ sinh.
Mặc dù các bác sĩ nỗ lực, song hai ngày sau bé trai chuyển biến xấu, mất. Các bác sĩ nỗ lực cứu bé gái. Hơn 3 tháng chăm sóc, thể trạng cháu dần tốt hơn, rút nội khí quản, chuyển qua thở máy không xâm nhập, sau đó ăn sữa mẹ hoàn toàn qua sonde dạ dày rồi thở oxy gọng, dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường miệng... Khi xuất viện, bé nặng 2,4 kg, các chỉ số sức khỏe bình thường, là ca sinh non ít tuần thai nhất được bệnh viện nuôi sống.
Các bác sĩ và người thân của bé gái chụp ảnh kỷ niệm trước lúc xuất viện. Ảnh: HY
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, số trẻ sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ trẻ sinh non khoảng 7%, mỗi năm khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời. Các điều kiện chăm sóc trẻ sinh non hiện đại ngày nay cho phép các bệnh viện lớn có thể nuôi sống được trẻ sinh non nặng 500 g.
Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, do nhiều biến chứng. Nhiều bé sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác, thính giác.
Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người (NICHD) của Mỹ, thống kê trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần thai là 6%, 23 tuần là 26%. Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 cơ hội sống sót khoảng 78%. Tuy nhiên, khoảng 4/10 trẻ sinh non sống ở tuần thai này sẽ gặp các vấn đề về hô hấp, thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ đủ tháng.
Bác sĩ khuyến cáo bà bầu cần khám thai định kỳ, chăm sóc tốt quá trình thai nghén không để xảy ra sinh non. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh trong vòng một đến hai giờ đầu, bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng đề kháng. Gia đình nên phối hợp bác sĩ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của con, kịp thời xử trí khi có biến chứng.
Hải Bình