Ngày 8/12, bác sĩ Nguyễn Tất Thành, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết tình trạng bệnh nhân rất nặng, nhịp tim 180 nhịp/phút (người bình thường 60-100 nhịp/phút). Các bác sĩ dùng máy sốc điện kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, nhưng tình trạng rối loạn nhịp tim của bệnh nhân không cải thiện, phải đặt ống nội khí quản và dùng các thuốc vận mạch đồng thời ép tim ngoài lồng ngực hỗ trợ.
"Bệnh nhân bị sốt virus dẫn đến viêm cơ tim có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp thất, bắt buộc phải can thiệp ECMO là kỹ thuật tim phổi nhân tạo để bảo toàn tính mạng", bác sĩ Thành nói. Ngoài ra, bệnh nhân phải được ép tim liên tục để duy trì huyết áp tưới máu các cơ quan, đặc biệt là tưới máu não.
Sau bốn ngày can thiệp ECMO, các rối loạn nhịp tim của bệnh nhân được kiểm soát, nhịp tim về bình thường, chức năng tim dần cải thiện. Ngày thứ 5, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, cai máy thở và chuyển sang thở oxy. Một ngày sau, bệnh nhân dừng hẳn việc hỗ trợ thở bằng máy, thở thường, tỉnh táo, tiếp tục điều trị tại khoa Tim mạch.
Các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân bị viêm cơ tim, tình trạng nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ cho biết thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuyển lạnh, tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh hoành hành, nhất là cúm mùa, sốt xuất huyết, Covid-19... Người dân cần cảnh giác với viêm cơ tim - là một biến chứng nguy hiểm sau nhiễm virus, nguy cơ tử vong và di chứng cao nếu không phát hiện và nhập viện điều trị kịp thời. Bệnh viêm cơ tim thường khó phát hiện do các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt.
Bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt nhiều, da lạnh ẩm xanh xao, cảm giác hồi hộp trống ngực, tim đập không đều, nhất là triệu chứng xuất hiện sau nhiễm virus... thì cần đến bệnh viện ngay để được kiểm tra, xử trí kịp thời.
Minh An