Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 7-8/11 của GSK tại Wavre, Bỉ, bà Piyali Mukherjee, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc y khoa ngành vaccine toàn cầu, cho biết trước bối cảnh dân số ngày càng già hóa, người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe. Quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác thường đi cùng sự suy giảm khối cơ và chức năng miễn dịch, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa suy giảm, trí nhớ kém minh mẫn, xương khớp không còn linh hoạt là những vấn đề thường gặp.
Số liệu từ đợt dịch Covid-19 tại Mỹ cho thấy nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) có nguy cơ nhập viện cao gấp 5-15 lần so với nhóm thanh thiếu niên (18-29 tuổi). Chưa kể, tỷ lệ đồng nhiễm nhiều bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong gấp nhiều lần, gây các biến chứng nặng cũng cao hơn.
Tại Việt Nam, thống kê trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, người trên 80 tuổi có thể mắc đến 7 bệnh, chủ yếu là vấn đề hô hấp, chuyển hóa, sa sút trí tuệ. Một thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình ở người Việt cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi), trong đó hơn 67% người cao tuổi tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.
Bởi vậy, hệ thống chăm sóc sức khỏe của ngành y tế cần chú trọng phục vụ lợi ích cho người cao tuổi, bảo đảm cho những người dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe được chăm sóc đầy đủ nhất.
"Vaccine cho người lớn là một trong những yếu tố cần được chú trọng đầu tư, bên cạnh các vấn đề khác như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và cai thuốc lá", bà Piyali nói và cho biết, theo các khuyến cáo hiện nay, các mặt bệnh người lớn cần phòng ngừa, bao gồm bệnh cúm, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi A và B, bệnh zona và bệnh do virus hợp bào hô hấp.
Quy trình sản xuất vaccine tại GSK, Wavre, Bỉ. Ảnh: GSK cung cấp
Tiêm vaccine sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và nhập viện, chi phí chăm sóc y tế, tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động do bệnh tật, góp phần nâng cao sức khỏe, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine giúp giảm thiểu 3,5-5 triệu trường hợp tử vong trong cộng đồng.
Ông Yan Sergerie, lãnh đạo danh mục đầu tư y tế toàn cầu GSK, trích nghiên cứu việc tiêm vaccine cúm ở người lớn có thể giúp giảm 56% nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, 13% nguy cơ nhồi máu do thiếu máu cơ tim.
Không chỉ mang lại giá trị phòng ngừa bệnh tật, tiêm vaccine cho người lớn còn nhiều giá trị gián tiếp khác về đầu tư, kinh tế. Theo một phân tích trên 94 quốc gia có nguồn thu nhập trung bình và thấp, chương trình tiêm chủng ước đoán giúp tăng giá trị về mặt đầu tư (ROI) gấp 16 lần trong việc giảm các chi phí liên quan đến bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Do đó, tiêm chủng cũng là một hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan.
"Khi người lớn tuổi khỏe mạnh, không có gánh nặng bệnh tật, họ có thể làm việc, đi du lịch... từ đó phát triển kinh tế, đầu tư, mang lại những giá trị lâu dài", ông Yan nói và cho biết mỗi cá nhân được tiêm phòng sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng miễn dịch, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm sẽ giảm, gánh nặng bệnh tật, di chứng sẽ không còn đe dọa nhiều người nữa.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định nhận thức tầm quan trọng của vaccine với người lớn chưa cao khiến việc tiêm vaccine ở nhóm này chưa phải một thói quen. Hầu hết mọi người nghĩ rằng tiêm vaccine chỉ cần thiết với trẻ nhỏ mà bỏ qua nhóm người lớn.
Chưa kể, các rào cản khác như nhiều người không nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh hoặc chủ quan, không tiêm, đợi đến khi có bệnh mới điều trị.
Thực tế, nhiều người còn thiếu kiến thức, tự tìm kiếm thông tin sai lệch dẫn đến tiền mất, tật mang. Họ cũng không chủ động nói chuyện với bác sĩ để phòng bệnh cho chính mình.
Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở người lớn đạt tỷ lệ thấp một phần do bệnh nhân mắc bệnh đến khám nhưng không được bác sĩ tư vấn tiêm vaccine khiến họ không biết mình cần phải chích ngừa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,5 triệu người tử vong do những căn bệnh truyền nhiễm có thể được phòng ngừa bằng vaccine. Người lớn khi mắc bệnh sẽ là nguồn lây bệnh trực tiếp cho người thân trong gia đình, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi có bệnh nền là những đối tượng có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém, từ đó có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Quy trình sản xuất vaccine tại GSK, Wavre, Bỉ. Ảnh: GSK cung cấp
Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến cáo tất cả người lớn được khuyến khích tiêm phòng để giảm tỷ lệ tử vong, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, chính phủ cần có chương trình tiêm chủng vaccine, chính sách hỗ trợ, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc nâng cao cơ sở hạ tầng, đầu tư kho trữ lạnh vaccine là điều cần thiết. Đặc biệt, nhân viên y tế là lực lượng nòng cốt để đưa thông tin đến bệnh nhân, nhằm tăng cường ý thức hơn.
Một số nhóm người cần lưu ý có nguy cơ cao nhiễm bệnh và diễn tiến nặng như người có sức khỏe kém, suy giảm miễn dịch (mắc bệnh ung thư, HIV), người có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi mạn tính, COPD - tắc nghẽn phổi mạn tính, hen suyễn, lao), người thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm, các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như nhân viên y tế.
Thúy Quỳnh