Lo ngại về tỷ lệ sinh giảm, Thượng Hải - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc - vừa ban hành chính sách khuyến khích các nhà tuyển dụng tạo ra các vị trí "thân thiện với sinh nở" nhằm hỗ trợ người lao động có con nhỏ. Trước đó, chính quyền trung ương và địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như nới lỏng chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, cho phép người dân sinh hai con. Tuy nhiên, trong năm ngoái, tỷ lệ sinh của đất nước tỷ dân vẫn giảm xuống còn 1 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế là 2,1. Đây là tỷ lệ sinh để các quốc gia duy trì cơ cấu dân số ổn định.

Chi phí sinh hoạt tăng cao ở các thành phố lớn, áp lực công việc và thay đổi quan điểm của thế hệ trẻ được coi là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này. Bên cạnh đó, tình trạng dân số già hóa nhanh chóng cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi lâu dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo thông báo chung của Cục An sinh xã hội và Nguồn nhân lực Thành phố Thượng Hải, các doanh nghiệp được khuyến khích tạo ra những vị trí "thân thiện với sinh nở". Đây là các công việc có thời gian làm việc linh hoạt, có thể làm việc từ xa, đánh giá dựa trên hiệu suất để phù hợp với nhu cầu của các bậc cha mẹ. Các quyền lợi và trách nhiệm này sẽ được chính thức hóa thông qua hợp đồng giữa người tuyển dụng và người lao động.

Chính sách này nhắm đến những ngành công nghiệp mới nổi như kinh tế số, thị trường ngách về sáng tạo, tiếp thị liên kết, truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh đó là các lĩnh vực truyền thống như sản xuất, khách sạn, dịch vụ ăn uống và gia đình...

Chính quyền Thượng Hải có kế hoạch thiết lập danh sách tập trung các nhà tuyển dụng cung cấp vị trí thân thiện với sinh nở, kết hợp chúng vào dịch vụ việc làm công cộng. Ngoài ra, các hội chợ việc làm và nền tảng tuyển dụng trực tuyến sẽ có mục riêng, dành cho vị trí thân thiện với người có gia đình. Giới chức cũng khuyến khích các nhà tuyển dụng phân loại rõ trong bài đăng liên quan.

chinese-family-poses-photo-sha-7586-9325-1735242946.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EycdB24UijUdMxQsEavl0g

Một gia đình 4 thành viên tại Thượng Hải. Ảnh: AFP

Doanh nghiệp cần ưu tiên tạo điều kiện cho các bà mẹ quay trở lại công ty sau nghỉ thai sản. Đối với các ngành nghề được chính sách mới nhắm đến, giới chức sẽ phân bổ chương trình đào tạo có trợ cấp. Thượng Hải có thể bổ sung kinh phí cho trung tâm đào tạo, dịch vụ chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và đào tạo kỹ năng số.

Thông báo của Thượng Hải được đưa ra sau động thái tương tự của Thanh Đảo. Gần đây, thành phố cảng đã giới thiệu hơn 1.000 vị trí công việc cho người làm mẹ, mang lại sự linh hoạt về giờ giấc làm việc, khối lượng công việc.

"Điều này góp phần tạo nên bầu không khí tích, xây dựng một xã hội thân thiện với sinh sản, từ đó nâng cao mong muốn có con của người dân", tiến sĩ Lưu Diên Vũ, giáo sư xã hội học tại Đại học Vũ Hán, cho biết.

Tiến sĩ Dịch Phú Hiền, bác sĩ sản khoa tại Đại học Wisconsin-Madison, tỏ ra e dè với chính sách mới. Ông cho rằng các doanh nghiệp sẽ xem xét lợi ích kinh tế của họ trước, bởi việc điều chỉnh giờ giấc làm việc cho một nhóm người cụ thể có thể làm giảm hiệu suất. Theo ông Dịch, có nhiều vấn đề khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc thấp. Ngay cả khi nước này tạo ra các vị trí thân thiện cho người làm cha mẹ, tỷ lệ sinh chưa chắc tăng lên nhanh chóng.

Khi nhiều thành phố áp dụng các chính sách tập trung vào gia đình, các chuyên gia sẽ theo dõi tác động của chúng đối với tỷ lệ sinh. Biện pháp này cho thấy, chính quyền địa phương đã thay đổi cách giải quyết các vấn đề liên quan đến dân số, tập trung cân bằng giữa công việc và cuộc sống để khuyến khích các gia đình có con.

Trung Quốc đang đối mặt bài toán dân số. Dân số Trung Quốc trên 60 tuổi đạt gần 297 triệu người trong năm 2023, chiếm 21,1% tổng dân số nước này, theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc. Dân số trên 65 tuổi trong năm 2023 là 216,76 triệu người, chiếm 15,4%.

Số lượng trẻ sơ sinh năm nay dự kiến tiếp tục giảm. Tổng số đăng ký kết hôn là 4,7 triệu trong ba quý đầu năm nay, giảm 17% so với năm trước.

Cơ quan y tế Trung Quốc hồi tháng 10 đã phát động cuộc khảo sát toàn quốc, đặc biệt tập trung vào cộng đồng nông thôn và các thị trấn nhỏ, để tìm hiểu lý do mọi người ngại sinh con. Cùng tháng, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố loạt biện pháp nâng cao tỷ lệ sinh, trong đó có yêu cầu các thành phố mở rộng phạm vi bảo hiểm sinh nở cho lao động nhập cư.

Thục Linh (Theo Newsweek)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022