Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá ngày 6/2, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2024 nhưng các quy định chưa được thực hiện nghiêm.
Ông dẫn lại câu chuyện bát phở lên đến 1 triệu đồng vào ngày Tết, hay những trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh do vi phạm về bán hàng. "Cần phải niêm yết và bán theo giá niêm yết", ông Phớc nói.
Theo Phó thủ tướng, các quy định về niêm yết giá cần phải thực hiện nghiêm để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh thao túng, nâng khống giá bán. Bộ Tài chính được yêu cầu tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc việc này.
"Vấn đề không nằm ở chỗ đắt hay rẻ mà phải công khai minh bạch về giá để người mua hàng lựa chọn, tránh tình trạng người bán lợi dụng "bắt chẹt" khách để lấy tiền", Phó thủ tướng nói thêm.
![2-1738841258655732931680-17388-4337-7931-1738848111.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GqjrjbI4NunZV-lVkiHUHA](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/06/2-1738841258655732931680-17388-4337-7931-1738848111.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GqjrjbI4NunZV-lVkiHUHA)
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá, ngày 6/2. Ảnh: VGP
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, phấn đấu hai chữ số trong những năm tới. Cùng với đó, lạm phát năm 2025 dự kiến ở mức 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, lượng tiền cung ứng vào nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với 2024. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá, nhất là giá tiêu dùng. Cùng quan điểm, Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận cho biết lạm phát phải được kiểm soát tốt trong điều kiện các nguồn lực được đẩy mạnh để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.
Bộ Tài chính dự báo việc điều hành giá năm nay sẽ gặp áp lực đến từ thị trường, giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thực phẩm và một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Theo đó, cơ quan này đưa ra 3 kịch bản với dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,83-4,5%. "Điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm nay cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt", ông Cận nói, cho biết nhà điều hành sẽ tập trung vào bình ổn giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân. Họ đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp, chủ động đề xuất phương án điều hành, bình ổn giá, nhất là với các hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ công theo lộ trình thị trường.
Trong ba kịch bản lạm phát năm nay được Bộ Tài chính phác thảo, Phó thủ tướng đề nghị chọn kịch bản CPI bình quân tăng khoảng 4,15% so với năm 2024.
"Điều hành giá phải chủ động, cụ thể và hiệu quả", ông Phớc nói, yêu cầu các bộ ngành xây dựng kịch bản điều hành giá mặt hàng quản lý theo từng quý. Sau đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê sẽ tổng hợp, tham mưu Chính phủ các biện pháp điều hành khả thi.
Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý, các bộ ngành có biện pháp điều chỉnh theo lộ trình ở mức độ, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, việc thanh kiểm tra, giám sát thị trường phải được tăng cường, để không để xảy ra thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến.
Phương Dung