Nội dung này nằm trong đề án về phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP HCM theo hướng chuyên nghiệp, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đề án được UBND phê duyệt ngày 26/3.
Trung tâm cấp cứu 115 hàng không sẽ đặt tại khuôn viên Bệnh viện Quân y 175, với sự phối hợp quản lý của Công ty Trực thăng Miền Nam - Binh đoàn 18. Nơi này dự kiến sử dụng trực thăng cứu thương của Binh đoàn 18 cùng 17 xe cứu thương chuyên dụng, 5 môtô cứu thương, nhân lực khoảng 111 người.
Bên cạnh phát triển cấp cứu đường không, trung tâm cùng với các trạm cấp cứu vệ tinh 115, bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân quận 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn và Củ Chi.
Bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 hoạt động từ cuối năm 2020. Sắp tới, bệnh viện khánh thành viện đa khoa 1.000 giường, có thêm một sân đáp trực thăng nữa, tăng cường khả năng vận chuyển, đặc biệt trong tình huống cấp cứu tai nạn hàng loạt.
Dịch vụ cấp cứu bệnh nhân bằng đường hàng không ở Việt Nam vận hành từ năm 2018 đến nay nhưng chủ yếu vận chuyển từ ngoài biển vào, chưa triển khai trên đất liền. Tại phía Nam, hoạt động này chủ yếu do Bệnh viện Quân y 175 triển khai, đến nay đã cấp cứu nhiều bệnh nhân, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ, công nhân và ngư dân công tác trên biển khu vực Trường Sa.
Hiện, một số bệnh viện tại TP HCM có sân trực thăng như Nhân dân 115, Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7), Ung bướu 2 (Thủ Đức)..., đều chưa sử dụng.
Trực thăng hạ cánh tại sân đỗ trên nóc Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Chính Trần
Theo đề án vừa được phê duyệt, TP HCM sẽ phát triển từ một thành 3 trung tâm cấp cứu, tương ứng với hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu. Trong đó, cụm trung tâm bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu tại địa bàn các quận nội thành; cụm Tân Kiên đang hình thành tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; cụm ở thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, TP HCM sẽ mở trung tâm cấp cứu 115 đường thủy, đặt trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cũ. Trung tâm cùng Bộ đội biên phòng, Công an TP HCM, các trạm cấp cứu vệ tinh và bệnh viện trong khu vực đảm bảo nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân huyện Cần Giờ, Nhà Bè.
Thành phố hiện chỉ có một trung tâm cấp cứu đặt trụ sở tại quận 10 với diện tích nhỏ hẹp, quản lý 40 xe cứu thương và 39 trạm cấp cứu vệ tinh ở các bệnh viện. Những năm qua, số cuộc gọi cấp cứu ngày càng tăng, việc tiếp nhận cuộc gọi và điều phối lực lượng cấp cứu cải thiện nhiều, song "kết quả chưa như mong đợi". Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như đợt dịch Covid-19, trung tâm phải di dời tổng đài đến công viên phần mềm Quang Trung để tải khối lượng cuộc gọi trong giai đoạn cao điểm, thành lập thêm 5 trạm dã chiến ở khu vực cửa ngõ.
Lê Phương