Trưa 27/3, ông Hồ Phi Đông, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa Nghệ An, Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết việc giám định được hoàn tất trong hôm qua, phối hợp các chuyên gia từ Viện Sức khỏe và Môi trường (Bộ Y tế), Viện Giám định Y khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
71 công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp bột đá được xác định mắc bệnh bụi phổi từ năm 2023, song chỉ 66 người đến khám giám định thương tật. Một số trường hợp ở xa, hoặc chưa muốn giám định nên không tham gia.
"Kết quả giám định sẽ có sau một tuần, là bước cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định", ông Đông cho hay.
Công nhân mắc bệnh bụi phổi nghe bác sĩ tư vấn trước khi giám định thương tật. Ảnh: Hùng Lê
Từ tháng 9/2022 đến nay, 6 công nhân từng làm việc tại doanh nghiệp nói trên đã tử vong. Trong số họ, có 5 người được xác định mắc bệnh bụi phổi silic, người còn lại nghi bị lupus ban đỏ.
Ngày 27/3, doanh nghiệp đã chi trả hơn 561 triệu đồng bồi thường cho 5 gia đình người tử vong. Trong đó, 4 gia đình nhận mức 110 triệu đồng, hộ còn lại nhận hơn 121 triệu đồng.
Bụi phổi (Pneumoconiosis) là tình trạng bụi bẩn tích tụ trong phổi do hít phải trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh. Nguyên nhân chính là tiếp xúc với những vật liệu có khả năng phát tán những hạt rất nhỏ xâm nhập vào phổi. Các loại bụi thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến là silic. Bệnh gây triệu chứng ho khan, khạc đờm đen, cảm giác đau nhói ở ngực, tức ngực, khó thở, hụt hơi. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không có dấu hiệu.
Bụi trong phổi không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Hiện, bệnh bụi phổi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn tiến triển bằng cách sử dụng thuốc giảm viêm, rửa phế nang toàn bộ hai phổi, thuốc giảm quá trình xơ hóa phổi, thở oxy.
Đức Hùng