5 bệnh viện lớn là Trung tâm Y tế Asan, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện St. Mary Seoul đã thiệt hại hơn một tỷ won (741.344 USD) mỗi ngày, "đang trong tình trạng khẩn cấp", theo giới chức địa phương.
Hôm 27/3, quan chức Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cho biết cơ sở này tạm thời đóng cửa 10 trong số 60 khu, gồm cả khu dành riêng cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư để chuyển họ đến các khoa khác. Đây là biện pháp ứng phó linh hoạt trong tình hình hiện tại.
Trung tâm Y tế Asan cũng đóng cửa 9 trong số 56 khu, còn Bệnh viện St. Mary bỏ trống 2 trong số 19 khu để ứng phó khẩn cấp. Động thái diễn ra khi số lượng ca phẫu thuật và lượt điều trị giảm sút do thiếu nhân lực.
Các bệnh viện cho biết họ không có sự lựa chọn nào khác, cần tập trung cho các bệnh nhân cấp cứu và người bị bệnh nặng, với số lượng nhân viên y tế hạn chế.
Giáo sư tại một trường y ở Seoul nộp đơn xin từ chức, ngày 25/3. Ảnh: Reuters
Một số cơ sở đã chấp nhận đơn xin nghỉ phép không lương của giáo sư trong nỗ lực cắt giảm chi phí lao động và trì hoãn quá trình tuyển dụng y tá. "Chúng tôi thậm chí không thể dự đoán khi nào tình hình sẽ kết thúc, vì các bác sĩ thực tập không đi làm, giảng viên cũng nộp đơn xin nghỉ việc. Những người ở lại gặp áp lực", quan chức bệnh viện giấu tên cho biết.
Hàn Quốc đang trải qua khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập cả nước đã đình công hơn một tháng để phản đối quyết định tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2025.
Mâu thuẫn giữa chính phủ và giới y tế hiện chưa được giải quyết, dù Tổng thống Yoon Suk Yeol đã kêu gọi Bộ Y tế "linh hoạt hơn" trong việc đình chỉ giấy phép và đối thoại với các bác sĩ. Các giáo sư y khoa, đồng thời là bác sĩ cấp cao, bắt đầu nộp đơn từ chức hàng loạt từ 25/3 để ủng hộ học trò. Hiện chưa có thống kê về số lượng giáo sư nghỉ việc. Tuy nhiên, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cho biết họ chỉ đàm phán nếu chính phủ loại bỏ hoàn toàn quyết định tăng chỉ tiêu.
Việc thêm 2.000 suất sinh viên y là động thái nhằm giải quyết vấn đề dân số già, đồng thời tăng số y bác sĩ trong các ngành thiết yếu. Dù vậy, các bác sĩ đình công lập luận việc tăng chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Họ cho rằng giới chức nên tăng chế độ đãi ngộ, lương thưởng cho bác sĩ để nhân viên y tế yên tâm công tác tại các nhóm ngành "không được ưa chuộng".
Thục Linh (Theo Yonhap)