"Các địa phương cố gắng hoàn thành tiêm vaccine trong tháng 9", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM Nguyễn Hồng Tâm nói tại cuộc họp giao ban về phòng chống dịch sởi tại UBND TP HCM, chiều 18/9. Điều kiện để thành phố công bố hết dịch sởi là 21 ngày không ghi nhận ca bệnh mới sau khi kết thúc chiến dịch tiêm vaccine.

Đến nay, quận 8 hội đủ điều kiện để sớm công bố chấm dứt dịch sởi. Quận này dẫn đầu thành phố về số lượt tiêm vaccine sởi, với 85% trẻ được tiêm trong tổng số trẻ được rà soát. Bình Chánh xếp thứ hai với tỷ lệ tiêm hơn 60%. Trong khi đó, nhiều quận huyện tỷ lệ tiêm chủng thấp, như quận 5.

Theo ông Tâm, số ca mắc sởi ba tuần gần đây có dấu hiệu chững lại sau khi thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine từ 31/8. Trong đó, 4 quận huyện không ghi nhận ca bệnh mới, 8 quận huyện có số ca giảm, trong tuần qua. Tuy nhiên, trên toàn thành phố, số mắc vẫn còn cao so với trung bình 4 tuần trước.

Hiện, 55 trường học tại 16 quận huyện đã ghi nhận ca bệnh sởi. Trong đó 25 trường kết thúc theo dõi, 30 trường vẫn đang theo dõi trong thời gian 21 ngày. Tuần qua, TP HCM thành lập 4 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn, 12 tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch tại trường học.

Tính đến ngày 17/9, các địa phương rà soát được gần 429.000 trẻ 1-5 tuổi cần tiêm sởi, trong đó hơn 49.000 trẻ thiếu mũi vaccine, chủng ngừa được hơn 62%. Nhóm 6-10 tuổi có hơn 588.000 trẻ, trong đó hơn 178.000 trẻ chưa đủ mũi, đang được tiêm chủng.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP HCM, nhận định chiến dịch sởi phát huy hiệu quả, giảm tốc độ lây lan, nếu phát huy hơn nữa sẽ làm chậm tốc độ lây và tiến tới kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, di biến động dân cư của thành phố rất lớn, cần tiếp tục rà soát số trẻ cần tiêm bởi đây là nhóm nguy cơ nhất, nếu bỏ sót sẽ tiềm tàng nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu các địa phương rà soát kỹ, đẩy nhanh tiêm vaccine, quyết tâm dập dịch trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực, ca nhiễm đi ngang, nhưng vẫn còn nhiều quận huyện có số ca mắc cao, nhất là các quận huyện vùng ven, nơi có công nhân ở trọ đông, nhiều trẻ từ nơi khác đến.

Theo bà Thúy, những quận huyện tuần qua không có ca bệnh vẫn cần cảnh giác, bởi tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao. Các địa phương tiếp tục phối hợp với công an rà soát số trẻ 1-10 tuổi sinh sống trên địa bàn, xác định tiền sử tiêm chủng của trẻ để vận động đi tiêm, bởi thành phố có tình trạng di biến động dân cư rất lớn, trẻ từ các tỉnh thành khác đến sinh sống nhiều.

"Cố gắng đến giữa tháng 10 có thể công bố hết dịch", bà Thúy nói.

tie-m-vaccine-qua-n-11-1726642-9415-7686-1726644503.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aIwpXX4IOb3GAusIsKt0uA

Tiêm vaccine sởi cho trẻ tại trường tiểu học ở quận 11. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM

UBND TP HCM công bố dịch sởi từ chiều 27/8, sau đó thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine để nâng miễn dịch cộng đồng, từ 31/8. Chiến dịch tiêm cho tất cả trẻ 1-10 tuổi, với 300.000 liều vaccine mua từ ngân sách thành phố.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh được điều trị triệu chứng, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, một số nhóm như trẻ suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022