Vitamin B12 đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe của hệ thần kinh và não bộ. Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến suy giảm chức năng thần kinh, làm giảm khả năng ghi nhớ, tư duy và thậm chí thúc đẩy sự phát triển của chứng mất trí nhớ, đặc biệt ở người cao tuổi. Việc bổ sung đầy đủ vitamin B12 thông qua chế độ ăn uống hàng ngày là vô cùng quan trọng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù vitamin B12 chủ yếu có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, nhưng một số thực phẩm thực vật lại chứa các dưỡng chất hỗ trợ hấp thụ và chuyển hóa B12, đồng thời bảo vệ não bộ thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

1. Rau lá xanh - "lá chắn tự nhiên" của não bộ

mon-an-bo-nao1-1753442184270521127394.jpg

Các loại rau lá xanh đậm như rau bina, cải xoăn và bông cải xanh rất giàu axit folic (vitamin B9) - một thành phần quan trọng trong nhóm vitamin B. Axit folic đóng vai trò hỗ trợ sản xuất DNA, giúp tái tạo tế bào thần kinh và duy trì hoạt động bình thường của não bộ.

Đặc biệt, ở người cao tuổi, việc thiếu axit folic có thể làm gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, mất tập trung và trí nhớ kém. Ngoài ra, rau lá xanh còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein, beta-carotene và vitamin C, giúp chống lại tác động của các gốc tự do - nguyên nhân chính gây tổn thương tế bào thần kinh, thúc đẩy lão hóa não.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nhận định: Chế độ ăn nhiều rau xanh không chỉ giúp bảo vệ não khỏi quá trình thoái hóa, mà còn hỗ trợ chức năng đường ruột - nơi ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh thông qua trục ruột – não.

2. Ngũ cốc nguyên hạt - nuôi dưỡng não từ gốc

mon-an-bo-nao2-17534421842871885657789.jpg

Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám chứa hàm lượng cao vitamin B6, B9 và B12. Những dưỡng chất quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng thần kinh, điều chỉnh tâm trạng và duy trì trí nhớ.

Ngoài ra, chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt giúp ổn định lượng đường trong máu - yếu tố cực kỳ quan trọng cho não bộ. Những dao động lớn trong đường huyết có thể gây mệt mỏi tinh thần, giảm sự tỉnh táo và ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ăn ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn so với những người tiêu thụ carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng hay đường tinh luyện.

Hơn nữa, các chất hóa thực vật (phytochemicals) có trong ngũ cốc nguyên hạt còn mang lại hiệu quả chống oxy hóa, giúp não chống lại stress oxy hóa - tác nhân khiến tế bào thần kinh bị tổn thương theo thời gian.

3. Dầu ô liu - chất béo "nuôi" trí nhớ

mon-an-bo-nao3-1753442184291507585159.jpg

Dầu ô liu, đặc biệt là loại extra virgin, chứa lượng lớn axit béo không bão hòa đơn và polyphenol - chất chống oxy hóa mạnh. Axit béo không bão hòa đơn giúp cấu trúc màng tế bào thần kinh khỏe mạnh, cải thiện khả năng truyền tín hiệu thần kinh, từ đó tăng cường trí nhớ và sự linh hoạt của não bộ.

Polyphenol trong dầu ô liu giúp làm sạch gốc tự do, giảm viêm - 2 yếu tố liên quan trực tiếp đến sự thoái hóa thần kinh và bệnh Alzheimer. 

Nhiều nghiên cứu trên người cao tuổi cho thấy, những người thường xuyên sử dụng dầu ô liu có chức năng nhận thức và trí nhớ tốt hơn rõ rệt so với những người dùng chất béo bão hòa (như mỡ động vật).

Lưu ý

Một chế độ ăn uống khoa học có thể tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong việc duy trì sức khỏe não bộ. Để đạt được hiệu quả tốt nhất:

- Tăng lượng rau lá xanh mỗi ngày trong các bữa ăn chính.

- Chọn ngũ cốc nguyên hạt cho bữa sáng như cháo yến mạch, bánh mì nguyên cám hoặc gạo lứt thay vì thực phẩm chế biến sẵn.

- Thay thế dầu ăn thông thường bằng dầu ô liu trong món salad, xào hoặc nướng.

- Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn, vì đường dư thừa có thể làm tăng viêm và đẩy nhanh quá trình lão hóa thần kinh.

- Việc kết hợp thường xuyên các loại thực phẩm tốt cho não như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt và dầu ô liu không chỉ giúp tăng cường trí nhớ mà còn làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, phòng ngừa bệnh mất trí nhớ hiệu quả.

(Ảnh minh họa: Internet)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022