Cụ ông 83 tuổi, tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường type 2, nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi sốt cao liên tục 39-39,5 độ C, ho, đau ngực và khó thở. Sau chẩn đoán cúm A, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus và kiểm soát nền bệnh lý, nhưng viêm phổi, suy hô hấp vẫn tiến triển nặng khiến ông phải thở máy tại khoa Hồi sức tích cực.
TS.BS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện 108, cho biết thời gian gần đây, khoa tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kết hợp, một số trường hợp là phụ nữ mang thai.
"Cúm thường gây sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng, gây tử vong do viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết", TS Sáng nói.
Không chỉ ở người già, cúm A đang ảnh hưởng nặng đến trẻ nhỏ. Cách đây vài ngày, bé gái 6 tuổi được đưa vào phòng khám Medlatec số 2 (Hà Nội) trong tình trạng điển hình: sốt cao kéo dài hơn 24 giờ, sau đó lên cơn co giật, tím môi và mất ý thức. Các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm phế quản phổi, biến chứng từ cúm A. ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc đã nhanh chóng xử lý co giật và hạ sốt bằng đường tĩnh mạch, giúp bệnh nhi qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Ngọc, các biến chứng như sốt cao co giật ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Co giật không được xử lý kịp thời có thể gây thiếu oxy não, ảnh hưởng đến phát triển thần kinh và trí tuệ. Thêm vào đó, trẻ có nguy cơ sặc đờm, thức ăn gây tắc đường thở hoặc tiến triển thành suy hô hấp nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
![huy-3200-1739280924-1739281004-5018-1739281039.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RVjQ4H6RBOEeTpnzf3jfVg](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/huy-3200-1739280924-1739281004-5018-1739281039.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RVjQ4H6RBOEeTpnzf3jfVg)
Người dân tiêm vaccine cúm tại Bệnh viện Nhi Trung ương hôm 11/2. Ảnh: Giang Huy
Để hạn chế sốt co giật, phụ huynh cần đo nhiệt độ thường xuyên, lau mát và sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều khi thân nhiệt trên 38.5 độ C. Trường hợp trẻ lên cơn co giật, cần đặt nằm nghiêng tránh sặc, nới lỏng quần áo, tuyệt đối không đặt vật lạ vào miệng và gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài quá 5 phút.
Bộ Y tế lưu ý thời tiết mùa đông xuân với khí hậu lạnh ẩm là điều kiện lý tưởng cho virus cúm lây lan mạnh. Người dân cần chủ động tiêm vaccine cúm hằng năm, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang nơi đông người và tăng cường miễn dịch là các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.
Lê Nga